Viết content (hay “viết nội dung”) có thể là một công việc đơn giản. Nhưng để nội dung của bạn có giá trị và thu hút người đọc thì không phải điều dễ dàng.
Chỉ tính riêng các trang web WordPress, với hàng triệu bài đăng được xuất bản trên blog mỗi ngày, viết thứ gì đó chung chung là hoàn toàn vô nghĩa.
Trong bài đăng này, tôi sẽ hướng dẫn về cách viết content, giúp bạn nắm được quy trình cơ bản kèm theo nhiều lời khuyên để bạn viết nội dung hiệu quả hơn.
Bắt đầu nào!
1. Viết content là gì?
Ngay lúc này bạn đang đọc một nội dung được đăng trên blog của tôi. Tuy nhiên viết content không chỉ là xuất bản các bài viết trên website, nó bao gồm rất nhiều công việc khác.
Vì vậy, bạn có tự hỏi: viết content (nội dung) là gì?
Viết content là quá trình nghiên cứu, lập kế hoạch, viết, chỉnh sửa và xuất bản nội dung cho web. Đó có thể là một bài đăng trên blog, kịch bản video, trang bán hàng — bất kỳ thứ gì được xuất bản trực tuyến.
— Nguồn: Ahrefs.
Khi nhắc đến viết content, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đó là viết bài quảng cáo trên Facebook hoặc viết bài đăng trên blog.
Tuy nhiên, nội dung viết còn được chúng ta sử dụng cho các loại định dạng content khác dựa theo mục đích cụ thể.
Trên thực tế, viết là nền tảng cho khá nhiều loại nội dung, bao gồm:
- Bài đăng trên blog
- Nội dung trang web (như trang chủ, trang giới thiệu, trang liên hệ)
- Bài đăng trên mạng xã hội (như Facebook, LinkedIn)
- Landing page
- Bản tin email
- Kịch bản video
- Tiêu đề và mô tả cho video trên Youtube
- Tiêu đề và mô tả cho podcast
- E-book
Mặc dù các nội dung hình ảnh, video và podcast đang phát triển rất nhanh nhưng nội dung viết vẫn là phương thức phổ biến nhất để chúng ta truyền tải thông tin.
Viết content phù hợp cũng rất quan trọng bởi vì mỗi loại nội dung được khán giả tiếp cận và tương tác theo những cách khác nhau.
2. Cách viết content thu hút
Có hàng triệu nội dung được xuất bản mỗi ngày nhưng chỉ một tỷ lệ phần trăm nhỏ thu hút được người đọc.
Để nội dung của bạn trở nên hiệu quả, bạn cần viết một content hấp dẫn và tạo ra ảnh hưởng.
Bạn muốn biết cách viết content hay? Dưới đây là những phần chính của quá trình mà bạn cần nắm được:
2.1 Hiểu đối tượng khán giả của bạn
Để giúp đỡ khán giả của mình, bạn cần biết họ là ai và những khó khăn mà họ đang gặp phải.
Nếu bạn không hiểu nhu cầu của khán giả, làm thế nào bạn có thể cung cấp giá trị cho họ?
Dưới đây là các cách để bạn hiểu rõ khách hàng của mình:
- Tiến hành khảo sát
- Trò chuyện và phỏng vấn
- Nghiên cứu từ khóa: Khi gặp khó khăn, mọi người thường có xu hướng sử dụng công cụ tìm kiếm thay vì tìm cách tốt hơn để giải quyết vấn đề.
- Theo dõi phản hồi, nhận xét và tương tác của khán giả
- Tạo chân dung khách hàng
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo nội dung của các đối thủ cạnh tranh và xem cách người dùng tương tác với chúng. Từ đó, bạn có thể tìm ra những điều khán giả đang thực sự quan tâm.
2.2 Nghiên cứu kỹ về chủ đề trước khi viết
Trước khi bắt tay vào sáng tạo nội dung, hiểu rõ chủ đề mình sắp viết là điều rất quan trọng.
Việc nghiên cứu chuyên sâu có hai lợi ích chính sau đây:
Thứ nhất, cung cấp cho bài viết những thông tin đáng tin cậy.
Người đọc muốn tìm được những kiến thức và thông tin có giá trị từ nội dung của bạn. Nếu bạn am hiểu về vấn đề và có thể diễn đạt dễ hiểu, gần gũi, độc giả sẽ tiếp thu ngay lập tức.
Mặt khác, khi đào sâu nghiên cứu, bạn có được sự tự tin vào kiến thức của mình. Các nội dung bạn cung cấp trở nên hữu ích hơn với người đọc và họ sẽ chờ đón những bài viết tiếp theo.
Thứ hai, hình thành các ý tưởng cho nội dung bài viết.
Việc nghiên cứu không chỉ hỗ trợ quá trình viết mà còn giúp hình thành các ý tưởng để bạn thêm vào nội dung của mình.
Ví dụ: Khi tôi bắt đầu viết bài đăng này trong đầu tôi rất trống rỗng. Tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ tạo một nội dung về chủ đề “viết content”. Nhờ quá trình nghiên cứu, tôi phát triển được thêm những ý chính cần đưa vào trong bài.
Mỗi khi tìm thấy các thông tin liên quan đến chủ đề bạn sẽ viết, hãy lưu lại và chú thích cách bạn muốn sử dụng chúng.
Như vậy, khi bạn bắt đầu triển khai một nội dung, bạn đã có sẵn kho tài nguyên phong phú để tham khảo và trích dẫn.
2.3 Hiểu loại định dạng nội dung bạn sẽ viết
Người dùng tiếp cận và tương tác với mỗi loại định dạng nội dung theo cách khác nhau. Hiểu rõ điều đó sẽ giúp bạn viết content thu hút hơn.
Ví dụ:
- Bài đăng Facebook: Mọi người chỉ dành trung bình 1,7 giây cho một phần nội dung trên thiết bị di động và 2,5 giây trên máy tính để bàn.
Làm sao để người dùng “quét” được thông tin bài viết càng nhanh càng tốt dường như là một nhiệm vụ khó khăn dành cho bạn.
Nếu không có gì đáng chú ý (đặc biệt trong ba dòng đầu tiên), họ sẽ lướt qua.
- Bài đăng blog: Mọi người thường truy cập các bài viết blog thông qua tìm kiếm trên Google hoặc được giới thiệu từ các kênh khác.
Bởi vậy, content bạn viết cần tập trung vào việc cung cấp thông tin và ưu tiên giải quyết một vấn đề cụ thể.
Nếu được thực hiện thường xuyên và nhất quán, viết blog cũng là cách tốt nhất để bạn làm content marketing.
2.4 Lập dàn ý hoặc các ý chính bạn muốn truyền tải
Content bạn viết thể hiện thông điệp bạn muốn truyền tải.
Để chắc chắn bạn không bỏ qua bất cứ điều gì cần chia sẻ với khán giả, lập dàn ý là một bước rất cần thiết.
Tạo một dàn ý như thế này giúp chúng ta hoàn thiện ý tưởng của mình trước khi bắt đầu quá trình soạn thảo.
Đây là những gì bạn nên đưa vào một dàn ý cơ bản (giả sử bạn đang viết một bài đăng trên blog):
- Từ khóa chính của bạn.
- Tiêu đề và mô tả của bạn.
- Phác thảo ý tưởng phần đầu bài đăng (còn gọi là mở bài).
- Các tiêu đề phụ bạn muốn đưa vào phần nội dung (H2, H3,…).
- Trong mỗi tiêu đề phụ, bạn ghi ra những ý chính.
2.5 Viết tiêu đề
Khi bạn tạo những nội dung như bài đăng blog, email hoặc video trên Youtube, viết tiêu đề hấp dẫn là “vũ khí” tốt nhất để cải thiện tỷ lệ nhấp.
Vì vậy, bạn sẽ cần học cách viết những tiêu đề hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khán giả và khiến họ muốn tìm hiểu thêm.
Dưới đây là 10 loại tiêu đề có xu hướng hoạt động tốt:
- Làm thế nào / Cách làm
- Danh sách đứng đầu (top list)
- Tại sao / Lý do
- Các phương pháp đã được chứng minh
- Những sai lầm
- Những bí mật
- Bài học kinh nghiệm
- Liên quan đến người nổi tiếng (phỏng vấn, tin nóng, lời khuyên,…)
- Hướng dẫn từng bước
- So sánh A và B
Nếu bạn muốn biết nhiều công thức viết tiêu đề hơn, hãy kiểm tra danh sách khổng lồ của Sumo.
Khi bạn vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, hướng dẫn chi tiết của CoSchedule sẽ giúp bạn viết được một tiêu đề tuyệt vời.
2.6 Viết nội dung
Sau khi lập dàn ý và viết tiêu đề, cảm hứng về việc tạo một nội dung giá trị cho khán giả có khiến bạn muốn đi tiếp?
Khi viết content, tôi thường chia bố cục nội dung thành 3 phần:
- Phần giới thiệu
- Phần nội dung chính
- Phần kết luận
Tiêu đề thuyết phục mọi người nhấp vào. Phần giới thiệu giữ mọi người đọc tiếp nội dung.
Vì vậy, bạn cũng cần học cách viết phần giới thiệu hấp dẫn.
Với bất kỳ bài đăng nào trên blog này, tôi đều viết phần giới thiệu. Đôi khi nó chỉ gồm hai đến ba câu nhưng hầu hết nằm trong khoảng 300 từ đầu tiên.
Bạn nên viết những gì để thuyết phục người đọc?
- Kể một câu chuyện liên quan
- Đặt câu hỏi tu từ
- Đưa ra số liệu thú vị
- Hứa hẹn cung cấp điều gì đó hữu ích
Tiếp theo, triển khai nội dung chính của bạn nhanh chóng bằng cách viết nháp dựa trên dàn ý đã lập.
Một số lưu ý khi viết content cho phần này:
- Tập trung vào nội dung hữu ích mà người đọc có thể hành động được ngay.
- Viết ở ngôi thứ nhất (tôi, mình) và dùng nhiều từ “bạn” hơn.
- Tránh viết những từ và câu tối nghĩa khiến người đọc khó hiểu.
- Viết tự nhiên như cách bạn nói chuyện, sự thoải mái giúp bạn gần gũi với khán giả hơn.
Sau cùng, hãy tóm tắt những điểm chính của bạn trong phần kết luận bằng vài câu ngắn gọn.
Đó là nơi bạn sẽ đưa người đọc đi một vòng từ đầu đến cuối.
Điều này làm cho ba phần như một để khán giả thấy được sự nhất quán của toàn bộ nội dung cũng như thông điệp bạn muốn truyền tải.
2.7 Chỉnh sửa và biên tập
Bản thảo đầu tiên là nỗ lực của bạn trong việc tìm ra cách diễn đạt các ý tưởng, nó chắc chắn chưa được biên tập chi tiết.
Với bất cứ định dạng nội dung nào, bạn hãy đọc lại và chỉnh sửa kỹ lưỡng trước khi xuất bản.
Các gợi ý nhỏ để bạn chỉnh sửa nội dung của mình:
- Kiểm tra chính tả và cách diễn đạt câu.
- Thêm các cụm từ chuyển tiếp để làm cho bài viết của bạn trôi chảy.
- Giữ cho các đoạn văn của bạn ngắn gọn (khoảng ba dòng trở xuống).
- Giữ cho câu của bạn ngắn gọn (nên ít hơn 20 từ).
Đừng hài lòng chỉ sau một lần chỉnh sửa. Để nội dung đạt chất lượng tốt nhất, bạn nên đọc lại nhiều lần và hoàn thiện một cách tỉ mỉ.
3. Tám lời khuyên để bạn viết content hay hơn
Nếu mọi người đều làm theo quy trình giống nhau thì tại sao lại có những nội dung nổi bật hơn?
Điều đó có nghĩa là, một số người đã áp dụng triệt để các lời khuyên đúng đắn và thành công.
Dưới đây là tám mẹo viết nội dung hữu ích mà bạn có thể áp dụng ngay:
3.1 Xây dựng phong cách viết đặc trưng của bạn
Dù bạn xuất bản loại nội dung gì, nó cũng cần mang phong cách đặc trưng của bạn.
Nó như một phần cá tính thương hiệu và là dấu ấn để khán giả nhớ đến bạn.
Tôi nhận thấy hầu hết chúng ta khi mới bắt đầu đều khó có thể tự tạo nét riêng cho mình.
Vì vậy, bạn cần học hỏi từ những người viết có dày dặn kinh nghiệm.
Khi bạn không thể đổi mới, hãy sao chép
Nguồn: HBR.
Điều này thường được biết đến trong lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp và kinh doanh. Tuy nhiên đối với nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, nó vẫn đúng.
Cá nhân tôi cũng đã từng đọc rất nhiều bài đăng trên blog và social media của Neil Patel, Brian Dean, Peep Laja,…
Bắt đầu bằng cách đọc và nghiên cứu phong cách viết của các tác giả bạn yêu thích.
Sau đó, bạn sử dụng những gì bạn học được để thực hành và dần phát triển phong cách của riêng bạn.
3.2 Thêm một số cảm xúc vào tiêu đề của bạn
Cho dù xuất hiện trên bài đăng blog, dòng chủ đề email, trang kết quả công cụ tìm kiếm hay bất kỳ vị trí nào, người dùng sẽ có ba phản ứng với tiêu đề của bạn:
- Bỏ qua
- Nhấp vào để xem nội dung
- Chia sẻ
Những từ cảm xúc trong dòng tiêu đề sẽ lôi kéo khán giả nhấp vào để đọc bài đăng của bạn.
Theo CoSchedule, bạn có một dòng tiêu đề tốt nếu 10–15% các từ trong dòng tiêu đề của bạn là cảm xúc.
Xem thêm:
- 10 tiêu đề dựa trên cảm xúc hiệu quả (từ Copyblogger)
- 180+ từ mạnh mẽ cho tiêu đề cảm xúc (từ Karl Stepp)
3.3 Liên kết đến các trang web khác
Nếu content của bạn đề cập một số luận điểm hoặc dữ liệu, nó nên được liên kết đến nguồn kiểm chứng.
Trên blog:
Trên Facebook:
Điều này có thể mang lại một số lợi ích, bao gồm:
- Làm cho nội dung của bạn đáng tin cậy và hữu ích hơn với người đọc.
- Thiết lập uy tín của bạn.
- Cải thiện thẩm quyền nếu bạn viết content với mục đích xếp hạng trên công cụ tìm kiếm.
3.4 Sử dụng các ví dụ
Các ví dụ giúp người đọc dễ liên tưởng và tiếp nhận nội dung của bạn hơn.
Tôi luôn lấy ví dụ trong mọi bài đăng của mình nếu có thể và ngữ cảnh cho phép.
3.5 Sử dụng hợp lý nội dung của người khác
Là một người viết content, đôi khi bạn có thể sử dụng nội dung của người khác.
Điều này không xấu nhưng bạn cần biết cách sử dụng.
Tôi thường có hai mục đích khi sử dụng nội dung khác:
- Trích dẫn định nghĩa: Tôi không phải là một giáo sư, tiến sĩ hay nhà nghiên cứu khoa học. Vì vậy, đối với các thông tin cần sự chính xác tuyệt đối như định nghĩa, tôi bắt buộc phải đề cập văn bản gốc.
- Thay điều muốn nói: Nếu tôi nhận thấy nguồn uy tín khác chứa nội dung tôi muốn đề cập thì tôi sẽ trích dẫn thay vì tự viết.
Khi sử dụng nội dung của người khác, bạn mặc định sẽ cần liên kết nó đến trang web nguồn gốc.
Theo một cách nào đó, thông tin bạn cung cấp trở nên hữu ích và nội dung tổng thể của bạn đáng tin cậy hơn.
3.6 Làm cho content của bạn dễ khám phá
Mọi người hiếm khi đọc trang web từng chữ một; thay vào đó, họ quét để chọn ra các từ và câu riêng lẻ.
Vì vậy, chắc chắn họ sẽ bỏ qua nhiều từ của bạn.
Giúp người đọc dễ dàng khám phá các thông tin chính của bạn bằng cách:
- Viết đoạn văn ngắn (nên từ ba dòng trở xuống, tối đa không quá năm dòng).
- Thêm tiêu đề phụ (như H2 → H6 với bài đăng blog, H2 với bài đăng trong nhóm Facebook).
- Tạo điểm nhấn bằng cách đặt liên kết hoặc định dạng phông chữ (đậm, gạch chân, nghiêng).
- Danh sách có dấu đầu dòng.
3.7 Tích cực nhận phản hồi về content của bạn
Trong cuộc sống, ý kiến đóng góp từ mọi người giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Bởi vậy, bạn có thể cho đồng nghiệp hoặc bạn bè đọc bản nháp và nhờ họ đưa ra phản hồi.
Họ sẽ giúp chỉ ra những thứ như kẽ hở logic, câu diễn đạt kém, luận điểm không rõ ràng và thậm chí là sai sót về chuyên môn.
3.8 Chứa công cụ hoặc lời khuyên áp dụng được ngay
Sự ích kỷ đâu đó luôn nằm trong mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều.
Cũng giống như cách bạn muốn nhận nhiều hơn những điều hữu ích từ bài đăng này, khán giả của bạn có cùng suy nghĩ.
Bao gồm các công cụ và lời khuyên có thể áp dụng được ngay chắc chắn khiến người đọc yêu thích nội dung của bạn.
Kết luận
Viết lách không dành cho tất cả mọi người nhưng có quá nhiều người đang lao vào nghề viết mà chưa được trang bị kiến thức.
Các blogger và người làm content marketing hiểu rõ tầm quan trọng của nội dung được viết tốt nhưng việc tạo ra nó không dễ dàng.
Có hàng triệu nội dung được xuất bản mỗi ngày trên thế giới, từ bài đăng blog, bản tin email đến social media.
Tuy nhiên, bằng cách đọc từng chi tiết trong bài đăng này, bạn sẽ biết cách làm content của mình “nổi bật giữa đám đông”.
Bảy bước của quá trình viết content:
- Tìm hiểu đối tượng khán giả của bạn
- Nghiên cứu kỹ về chủ đề trước khi viết
- Hiểu loại định dạng nội dung bạn sẽ viết
- Lập dàn ý hoặc các ý chính bạn muốn truyền tải
- Viết tiêu đề
- Viết nội dung
- Chỉnh sửa và biên tập
Tám lời khuyên để bạn viết content hay hơn:
- Xây dựng phong cách viết đặc trưng của bạn
- Thêm một số cảm xúc vào tiêu đề của bạn
- Liên kết đến các trang web khác
- Sử dụng các ví dụ
- Sử dụng hợp lý nội dung của người khác
- Làm cho content của bạn dễ khám phá
- Tích cực nhận phản hồi về content của bạn
- Chứa công cụ hoặc lời khuyên áp dụng được ngay
Bạn đã biết và áp dụng hiệu quả những lời khuyên nào mà tôi đã liệt kê trong bài đăng?