1Tổng Quan 2Content Marketing 3SEO 4Email Marketing 5Social Media Marketing 6Digital Advertising 7Tự Học Digital Marketing
Trang chủ / Digital Marketing / SEO / SEO: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

SEO: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

Mặc dù tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO — search engine optimization) không còn là một khái niệm xa lạ, nhưng thực tế sẽ luôn có những khó khăn nhất định đối với người mới bắt đầu tự học SEO.

Trong khi các công cụ tìm kiếm và công nghệ luôn phát triển, có một số yếu tố nền tảng cơ bản vẫn không thay đổi từ những ngày đầu tiên của SEO.

Vì vậy, từng bước một đơn giản hóa quá trình học cách SEO website, ngay bây giờ!

Hãy tưởng tượng bạn đang tham gia vào một sự kiện.

Nếu bạn là người ảnh hưởng, tôi tin rằng ánh mắt mọi người sẽ dõi theo bạn.

Nhưng nếu bạn là người bình thường, làm sao để những người khác quan tâm đến bạn?

Vâng, đây là lúc “SEO” xuất hiện.

Đừng hiểu nhầm, ý tôi là SEO hoạt động dựa trên sự cạnh tranh tương tự như vậy. Bằng cách nào đó, bạn cần bước tới vị trí thật đẹp và trở nên khác biệt để trông có vẻ nổi bật.

Như bạn biết, WordPress chiếm khoảng 32% trong tổng số gần 2 tỷ trang web và 59,5% thị phần của hệ thống quản lý nội dung (CMS).

Các hệ thống quản lý nội dung phổ biến nhất
Các hệ thống quản lý nội dung phổ biến nhất. Nguồn: W3techs.com

Năm 2018, thông qua hệ sinh thái của Wordpress, mỗi tháng có khoảng 70,5 triệu bài đăng mới được xuất bản. Nếu tính cả các hệ thống quản lý nội dung khác thì con số chắc chắn cao hơn.

Điều đó có nghĩa là bài đăng của bạn sẽ ngày càng gặp khó khăn để xếp hạng.

Mặc dù mỗi giây, Google có trung bình 70 ngàn lượt tìm kiếm nhưng làm sao để họ nhìn thấy trang web của bạn?

Vâng, mọi người đang nói nhiều hơn về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Bởi vì trên 90% người dùng nhấp vào các kết quả trang đầu tiên của Google.

Tỷ lệ người dùng nhấp vào các trang trong kết quả tìm kiếm Google

Lượng truy cập này hoàn toàn miễn phí và nó có thể đã giúp nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Trong sự phát triển của digital marketing, chúng ta đều biết đến lợi ích của SEO nhưng không phải ai cũng biết những gì cần tối ưu hóa?

Bởi vậy, tôi đã viết một hướng dẫn tìm hiểu về SEO cơ bản dành cho người mới bắt đầu.

Bài đăng này sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức nền tảng về SEO, giúp bạn hiểu được SEO là gì, ý nghĩa của việc SEO website, các hình thức SEO phổ biến và cách làm SEO web trở nên dễ dàng hơn.

Nó thực sự đơn giản để nắm bắt.

Tiếp tục theo dõi!

1. SEO là gì?

Tôi đã dành thời gian để lướt qua nhiều tài nguyên nhằm tìm kiếm một định nghĩa chính xác về SEO.

Tuy nhiên, ngay cả những trang web nổi tiếng nhất trong ngành, họ cũng muốn đưa ra cách truyền đạt của riêng mình.

Nhưng thật mừng, thông qua tư tưởng chung rõ ràng, tất cả đều cùng quan điểm. Dưới đây là một vài cách định nghĩa để bạn có thể xem xét và nhận lấy góc nhìn.

Search engine optimization (SEO) is the process of affecting the online visibility of a website or a web page in a web search engine’s unpaid results.

Wikipedia EN.

Tạm dịch: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là quá trình ảnh hưởng đến khả năng hiển thị trực tuyến của website hoặc trang web trong kết quả không trả phí của công cụ tìm kiếm web.

Search engine optimization (SEO) is the practice of increasing the quantity and quality of traffic to your website through organic search engine results.

Moz.

Tạm dịch: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là việc thực hành tăng số lượng và chất lượng lưu lượng truy cập đến trang web của bạn thông qua kết quả công cụ tìm kiếm không phải trả tiền.

SEO stands for “search engine optimization”. It is the process of getting traffic from the “free,” “organic,” “editorial” or “natural” search results on search engines.

— Search Engine Land.

Tạm dịch: SEO là viết tắt của “tối ưu hóa công cụ tìm kiếm”. Đó là quá trình nhận lưu lượng truy cập từ kết quả tìm kiếm “miễn phí”, “không phải trả tiền”, “thuộc về biên tập” hoặc “tự nhiên” trên các công cụ tìm kiếm.

Bạn cũng đã biết, chúng ta có nhiều cách để đưa dữ liệu đầu vào khi thực hiện tìm kiếm trên Google như từ khóa, giọng nói và hình ảnh. Bởi vậy, SEO theo cách tôi hiểu đó là:

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là quá trình tối ưu hóa nội dung trực tuyến để nó được hiển thị với vị trí nổi bật hơn mà không phải trả tiền trên công cụ tìm kiếm cho các tìm kiếm của một dữ liệu đầu vào nhất định.

SEO đòi hỏi sự hiểu biết về cách công cụ tìm kiếm hoạt động, cách mọi người tìm kiếm và hiểu mục đích của họ.

SEO thành công là làm cho trang web của bạn hấp dẫn công cụ tìm kiếm và người dùng.

Đó là sự kết hợp giữa kỹ thuật và marketing.

2. Tại sao SEO lại quan trọng?

Tôi đã xuất bản một số bài viết trên blog này, và chúng đang được Google hiển thị trong trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm.

Điều đó là đáng mừng với tôi!

Tuy nhiên, không phải ai đưa nội dung lên trực tuyến cũng được công cụ tìm kiếm ưu ái, ngay cả khi họ tạo ra nội dung chất lượng cao trong ngành của họ.

Mặc dù các công cụ tìm kiếm ngày càng trở nên thông minh, nó vẫn không thể xem và hiểu một trang web giống như cách mà một con người có thể.

Bởi vậy, SEO giúp các công cụ tìm kiếm hiểu trang web của bạn và xem xét nó có thể hữu ích cho người dùng hay không.

SEO đã đi một chặng đường dài từ những ngày của dữ liệu meta đến thuật toán RankBrain và bây giờ là mobile-first.

SEO liên tục thay đổi để đối phó với những cách thức tìm kiếm mới, thiết bị mới và cả sự thay đổi về hành vi của người dùng.

Khi dữ liệu mọi người đưa lên trực tuyến càng nhiều, một từ khóa có thể trả về hàng trăm triệu kết quả.

Điều gì xảy ra nếu không có SEO?

Trang web của bạn có thể nằm sâu ở những kết quả cuối cùng trong công cụ tìm kiếm.

Vì vậy, SEO là quan trọng!

Bên cạnh việc tăng lưu lượng truy cập vào trang web, SEO còn đem lại nhiều lợi ích mạnh mẽ khác cho doanh nghiệp của bạn.

3. Hiểu mục đích và cách mọi người tìm kiếm

Mọi người thực hiện tìm kiếm để tìm câu trả lời cho các vấn đề của họ.

Đó có thể là để hoàn thành một bài tập về nhà, tìm rạp chiếu phim hoặc mua vé máy bay giá rẻ.

Mục đích tìm kiếm có thể được phân thành hai loại mục tiêu tìm kiếm.

Mục tiêu thứ nhất, tìm kiếm thông tin cụ thể liên quan đến từ khóa họ đã sử dụng.

Ví dụ người dùng truy vấn với từ khóa: rạp chiếu phim quận 2, quán cà phê đường Điện Biên Phủ,…

Hoặc mục tiêu thứ hai, tìm kiếm thông tin tổng quát hơn về một chủ đề.

Ví dụ người dùng truy vấn với từ khóa: digital marketing, phim hành động,…

Người dùng có xu hướng sử dụng cụm từ tìm kiếm ngắn, nhưng những cụm từ này dần dần trở nên dài hơn.

Và nhiệm vụ của chúng ta là hiểu ý định tìm kiếm của người dùng, kết nối với họ khi họ đang tìm kiếm và dẫn họ đến nội dung có liên quan.

Các công cụ tìm kiếm cũng đang có những bước tiến trong việc tìm hiểu cả ý định tìm kiếm của người dùng.

Vâng, tôi muốn nhắc tới thuật toán Hummingbird của Google hay thuật toán Korolyov của Yandex, và các thuật toán tương tự.

Ngày nay, tìm kiếm không chỉ giới hạn ở máy tính hoặc điện thoại. Người dùng có thể tìm kiếm từ nhiều loại thiết bị khác nhau.

Bởi vậy, giao tiếp với người dùng đã được thay đổi và khó khăn hơn để theo kịp.

Điều đó có nghĩa là bạn cần phải nhận thức được cách các thiết bị khác nhau có liên quan lẫn nhau và đóng vai trò trong trải nghiệm tìm kiếm của người dùng.

4. Tại sao nội dung và từ khóa quan trọng với SEO?

Theo một cách nào đó, nội dung như là phương tiện bắt buộc để bạn có thể thực hiện SEO.

Dù loại nội dung là gì, nếu không có nó, bạn sẽ không có gì để tối ưu hóa.

Hiện nay, Google chiếm hơn 70% thị phần tìm kiếm trên toàn thế giới và họ đã không công bằng với tất cả các nội dung xuất hiện trên trực tuyến.

Ngay từ năm 1998, khi Larry Page và Sergey Brin sáng lập ra Google cho đến nay, họ đã luôn tuân thủ sứ mệnh của mình.

Sứ mệnh của Google về nội dung tìm kiếm

Vâng, họ đang cố xếp hạng các nội dung theo thứ tự hữu ích và mức độ liên quan với người dùng thực hiện tìm kiếm.

Bởi vậy, để nội dung có giá trị cho SEO, bạn cần đi sâu vào việc tăng chất lượng thông tin; làm nó có giá trị, đáng tin cậy và hấp dẫn.

Nếu nội dung trang tuyệt vời, trang web có tốc độ tải chậm vẫn có thể xếp hạng cao.

Trong bài viết các yếu tố nền tảng của SEO, tôi đã đề cập đến “từ khóa”.

Nó thực sự quan trọng bởi đó là dữ liệu đầu vào khi mọi người muốn tìm kiếm bất cứ điều gì.

Nghiên cứu từ khóa giúp bạn hiểu hơn về người dùng, nắm bắt được tâm lý và hành vi của họ.

Một cái nhìn bằng dữ liệu thông qua Google Search Console, danh sách từ khóa cung cấp cho bạn định hướng để thu hút đúng đối tượng khán giả từ nhiều tìm kiếm có liên quan.

Danh sách từ khóa trong Google Search Console

5. Tại sao mức độ tín nhiệm quan trọng với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm?

Backlink (liên kết ngược) là liên kết mà một trang web nhận được từ một trang web khác.

Và có thể bạn đã nghe ai đó nói, backlinks là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của công cụ tìm kiếm.

Backlinks quan trọng cho SEO

Về cơ bản, khi người khác tin tưởng vào nội dung của bạn, họ sẽ chủ động đặt liên kết trang web của bạn trên trang web của họ.

Backlinks tới trang web của bạn là tín hiệu để các công cụ tìm kiếm hiểu rằng những người khác đang muốn xác minh sự hữu ích cho nội dung của bạn.

Càng có nhiều backlinks từ nhiều trang web khác nhau, nội dung của bạn càng được coi là nổi bật.

Backlinks phải là tự nhiên, trang web của bạn không được sử dụng các thủ thuật để tạo backlinks. Chất lượng của các liên kết quan trọng hơn nhiều so với số lượng.

Nhưng đó mới chỉ là sự tín nhiệm từ bên ngoài đối với bạn. Bạn cũng cần nâng cao sự tín nhiệm ngay trong chính trang web của bạn.

Đó có thể là liên kết ra bên ngoài (external links). Hãy đảm bảo những đường link mà bạn đặt vào trong nội dung phải an toàn, chứa thông tin hữu ích và hấp dẫn. Đừng làm hại khán giả của bạn!

Bên cạnh đó, bạn cũng nên quan tâm đến HTTPS, bởi nó giúp người dùng và trang web của bạn an toàn hơn.

Trong năm 2014, Google đã công bố HTTPS cũng là một tín hiệu xếp hạng.

Tôi gọi tất cả điều đó là thực hành nhằm nâng cao mức độ tín nhiệm của trang web.

Thử hỏi, các công cụ tìm kiếm có muốn người dùng nhấp phải một kết quả tìm kiếm mà đằng sau đó là sự không hữu ích hoặc không an toàn?

Bởi vậy, mức độ tín nhiệm là quan trọng với SEO.

6. Tại sao trải nghiệm người dùng quan trọng với SEO?

Trải nghiệm người dùng mạnh mẽ được biết đến như thời gian tải trang nhanh chóng, điều hướng dễ dàng, trình bày nội dung dễ đọc,…

Nhưng, tại sao nó lại quan trọng với SEO?

Tôi biết rằng bạn cũng như tôi, chờ đợi quá lâu để truy cập được vào một trang web là điều gì đó khiến mình nổi điên lên.

Google đã đưa ra những số liệu chứng minh hiệu suất của trang web ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng và chuyển đổi.

Các liên kết điều hướng và nút hành động cũng cần tinh tế để không làm ảnh hưởng trải nghiệm người dùng.

Trên thực tế, 38% người dùng sẽ ngừng tương tác với một trang web nếu nội dung không hấp dẫn trong bố cục hoặc hình ảnh.

Mọi người ngày càng trải nghiệm nội dung trên nhiều loại thiết bị khác nhau, đặc biệt trên thiết bị di động. Vì vậy, thiết kế thân thiện với thiết bị di động đã trở thành một phần quan trọng trong việc có sự hiện diện trực tuyến.

Thiết kế thân thiện cho điện thoại di động

Với lập chỉ mục đầu tiên trên thiết bị di động (mobile-first indexing), Google cho thấy nỗ lực của họ nhằm làm cho web trở nên thân thiện với thiết bị di động hơn và phản ánh xu hướng hành vi của người dùng.

Trải nghiệm người dùng không tốt đồng nghĩa với việc các công cụ tìm kiếm đánh giá trang web của bạn tệ.

7. Các loại SEO phổ biến

Khi tôi chưa từng biết đến SEO, những người xung quanh nói đến SEO on-page và SEO off-page.

Tôi không hiểu điều đó có nghĩa là gì, bởi vậy tôi đi lên với sự tò mò như bạn. Và tôi biết rằng, đó là hai loại SEO phổ biến cho đến ngày nay.

SEO on-page đề cập đến tất cả các biện pháp có thể được thực hiện trực tiếp trong trang web để cải thiện vị trí của nó trong bảng xếp hạng tìm kiếm. Ví dụ như tối ưu hóa nội dung hoặc cải thiện mô tả meta và thẻ tiêu đề.

SEO off-page đề cập đến tất cả các biện pháp có thể được thực hiện bên ngoài của trang web để cải thiện vị trí của nó trong xếp hạng tìm kiếm. Chúng phụ thuộc vào các nguồn khác, ví dụ như backlinks chất lượng cao hoặc tín hiệu mạng xã hội.

Chúng khác nhau, nhưng bạn cần phải thực hành cả hai để SEO thành công.

7.1 SEO On-Page

Đây là khi chúng ta nói về tất cả những gì có thể xem xét và tối ưu bên trong trang.

Về cơ bản, SEO on-page bắt nguồn từ nội dung của bạn, nó quan trọng nhất.

Sau đó, tối ưu hóa các yếu tố về kỹ thuật để nội dung của bạn thân thiện với công cụ tìm kiếm.

Trong nghiên cứu các yếu tố xếp hạng, Searchmetrics cho thấy rằng thay vì sử dụng từ khóa dựa trên các truy vấn tìm kiếm phổ biến để tạo nội dung, Google đang ưu tiên đối với nội dung dài hơn và hiểu ý định của người dùng.

Tất nhiên, từ khóa vẫn còn rất quan trọng nhưng đừng lạm dụng nó; nhồi nhét từ khóa với mật độ lớn hơn 2,5% sẽ sớm làm bạn thất vọng.

Bạn cũng nên biết, không phải lúc nào cũng cần tạo một nội dung quá sâu sắc, điều đó được ví như việc ném tiền qua cửa sổ mà Neil Patel đã đề cập.

Cách tốt nhất là nên viết nội dung vừa đủ dài trong ngành của bạn, và làm nó hữu ích để đáp ứng ý định của người tìm kiếm.

Chất lượng nội dung phản ánh giá trị của bạn trong suy nghĩ của khán giả.

Tạo một nội dung tốt chưa phải là tất cả, SEO on-page thành công đi qua hàng loạt các yếu tố về kỹ thuật khác bao gồm:

  • Thẻ tiêu đề
  • URL
  • Thẻ mô tả
  • Thẻ tiêu đề phụ (H2 – H6)
  • Độ dài bài đăng
  • Từ khóa liên quan
  • Liên kết nội bộ (internal link)
  • Liên kết ra bên ngoài (outbound link)
  • Hình ảnh
  • Nút chia sẻ mạng xã hội
  • Thiết kế đáp ứng (responsive design)
  • Tốc độ tải trang
  • HTTPS

Đó là rất nhiều thứ cần tối ưu, nhưng đừng lo lắng, Brian Dean từ Backlinko có một hướng dẫn chi tiết về SEO on-page để bạn thực hành hiệu quả.

Nếu bạn đang sử dụng WordPress và cài đặt Yoast SEO, bằng cách gia tăng số lượng “đèn xanh”, điều đó chứng tỏ rằng bạn đang đi đúng hướng.

SEO On-page thành công với Yoast SEO

7.2 SEO Off-Page

Trong khi SEO on-page nói về nội dung kết hợp kỹ thuật thì SEO off-page thành công dựa trên sự tiếp xúc và tin tưởng.

Có thể ai đó đã nói với bạn rằng SEO off-page là tất cả về:

  • Xây dựng liên kết (link building)
  • Tín hiệu xã hội (social signals)
  • SEO địa phương (local search engine optimization)

Tôi không phủ nhận, nhưng về cơ bản bạn cần hiểu bản chất.

Để tôi nói rõ hơn về điều này.

Trang web của tôi hiện đang nhận được 266 backlinks từ 12 trang web khác (như hình phía dưới).

Số backlinks này là hoàn toàn tự nhiên, tôi không sử dụng thủ thuật hoặc tác động đến chủ nhân của những trang web đó nhằm mong nhận được backlink từ họ.

Backlinks bettergrowth.org 11-2018

Tôi có một câu hỏi nhỏ:

Giả sử trong cùng một ngành, nếu nội dung của người khác không hữu ích, bạn có muốn đặt liên kết của họ trên trang web của bạn?

Vâng, tôi cũng như bạn, chắc chắn không!

Ngược lại, nếu nội dung hữu ích, có thể bạn sẽ đặt liên kết của họ. Điều đó thể hiện sự tín nhiệm, bạn tin họ.

Nhưng mọi thứ thường không đến một cách tự nhiên, nhất là khi trang web của bạn hoàn toàn mới.

Bạn cần làm nó tiếp cận với đối tượng mục tiêu, nơi được xem như “ngòi” để nội dung của bạn được vang xa.

Tôi muốn đề cập đến sự tiếp xúc.

Tôi đã đặt nội dung của mình trên Facebook và trang web uy tín trong ngành.

Nội dung giá trị của blog

Theo một cách nào đó, nếu nội dung của bạn giá trị, mọi người cũng sẽ giúp nó tăng lượt tiếp cận. Đây là ví dụ trong trường hợp của tôi.

Nội dung giá trị giúp tăng lượt tiếp cận hơn

Khi nội dung của bạn tiếp cận được càng nhiều khán giả mục tiêu và làm họ thích thì tỷ lệ nhận được backlink càng cao.

Nhận thức về thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng giúp SEO off-page thành công.

Tôi đã nhiều lần đặt liên kết của neilpatel.com hay backlinko.com trên trang web này. Như bạn biết, tôi tin tưởng nội dung được cung cấp bởi họ.

Mặt khác, mọi người thường có xu hướng nhấp vào kết quả tìm kiếm từ những thương hiệu quen thuộc. May mắn thay, tỷ lệ nhấp (CTR) cũng là một yếu tố xếp hạng.

Đó là nền tảng về SEO off-page mà bạn cần thấu hiểu, nó sẽ soi sáng cách bạn tối ưu hóa hướng đến thành công.

Còn điều gì mà tôi quên?

Tham khảo SEO Checklist từ Backlinko để bổ sung những gì còn thiếu cho riêng mình.

8. Phân biệt SEO mũ đen và SEO mũ trắng

Nếu coi hành trình làm giàu của một con người giống như quá trình tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho một trang web thì trên đời sẽ chia thành hai cách làm giàu.

Cách thứ nhất là làm giàu chân chính, lương thiện, hướng tới sự bền vững. Cách thứ hai là làm giàu nhanh chóng, chụp giật, phi đạo đức.

Với SEO cũng vậy, có những người chọn cách tối ưu hóa dựa theo nguyên tắc của công cụ tìm kiếm. Ngược lại, những người khác sử dụng nhiều kỹ thuật “lừa đảo” để xếp hạng cao trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm.

Điều này dẫn đến SEO mũ đen và SEO mũ trắng.

8.1 SEO mũ đen

SEO mũ đen (black hat SEO) là một phương pháp tối ưu hóa chống lại các hướng dẫn của công cụ tìm kiếm, được sử dụng để có được thứ hạng trang web cao hơn trong kết quả tìm kiếm.

Những kỹ thuật đen tối này không nhằm giải quyết vấn đề cho người tìm kiếm và thường kết thúc bằng hình phạt từ các công cụ tìm kiếm.

Dưới đây là danh sách một số kỹ thuật mũ đen được sử dụng để làm tăng xếp hạng của một trang web:

  • Nhồi nhét từ khóa: Lạm dụng các từ khóa trong suốt nội dung nhằm thao túng nơi trang được xếp hạng trên các trang kết quả tìm kiếm.
  • Nội dung trùng lặp: Đăng cùng một nội dung ở nhiều nơi trên trang web.
  • Ẩn văn bản: Sử dụng các từ khóa bằng chữ màu trắng trên nền màu trắng làm người xem không thể thấy nhưng công cụ tìm kiếm có thể đọc.
  • Nội dung chất lượng kém: Sử dụng nội dung không có giá trị đối với người tìm kiếm. Điều này bao gồm nội dung được lấy từ một trang web khác bởi bot hoặc một người.
  • Chuyển hướng lén lút: Chuyển hướng người dùng đến một URL khác với URL mà họ đã nhấp vào ban đầu.
  • Liên kết trả tiền: Google nghiêm cấm việc mua và bán các liên kết. Bất kỳ liên kết nào nhằm thao túng PageRank hoặc xếp hạng của trang web trong kết quả tìm kiếm của Google có thể được coi là một phần của sơ đồ liên kết và vi phạm Nguyên tắc quản trị trang web của Google.

Nếu bạn sử dụng kỹ thuật mũ đen, trang web của bạn có thể bị phạt thông qua các thứ hạng thấp hơn hoặc thậm chí bị cấm từ trang kết quả hoàn toàn.

8.2 SEO mũ trắng

SEO mũ trắng (white hat SEO) đề cập đến việc sử dụng các phương pháp tối ưu hóa tốt để đạt được thứ hạng cao. Chúng minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc về công cụ tìm kiếm.

SEO mũ trắng tập trung vào việc tạo nội dung chất lượng và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Bạn sẽ chọn làm “kẻ xấu” hay “người tốt”?

9. Dự đoán tương lai của tìm kiếm

Trong sự vội vã của cuộc sống, có lẽ nhiều người sẽ không dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử phát triển của công cụ tìm kiếm và SEO.

Chúng ta đều biết công cụ tìm kiếm tồn tại nhưng không nhiều người biết nó bắt đầu từ khi nào, sự phát triển của công nghệ ảnh hưởng đến SEO ra sao. Mọi người chủ yếu quan tâm đến cách mình thực hành nó hàng ngày.

Để dự đoán tương lai của SEO, đầu tiên cần phải hiểu về các xu hướng đã nổi lên theo thời gian.

Công cụ tìm kiếm sẽ luôn thay đổi và thông minh hơn. Máy học đang giúp xử lý và xếp hạng thông tin nhằm đưa ra các kết quả tìm kiếm hợp ngữ cảnh mà người dùng không phải nỗ lực quá nhiều.

Trong bài diễn thuyết tại TED năm 2013, Marcus Tandler đã nói rằng tương lai của tìm kiếm có lẽ là tìm kiếm bằng âm thanh.

Vâng, như bạn thấy, nó đang trở thành hiện thực.

Bây giờ, chúng ta nhìn về tương lai năm 2020, ba loại tìm kiếm bùng nổ có thể là Tìm kiếm trực quan (Visual Search), Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice Search) và Tìm kiếm theo ngành dọc (Vertical Search).

3 loại tìm kiếm sắp bùng nổ có thể là Tìm kiếm trực quan (Visual Search), Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice Search) và Tìm kiếm theo ngành dọc (Vertical Search) - SEO 101
Câu Hỏi Thường Gặp về SEO
SEO là gì?

SEO (search engine optimization / tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) là quá trình tối ưu hóa nội dung trực tuyến để nó được hiển thị với vị trí nổi bật hơn mà không phải trả tiền trên công cụ tìm kiếm cho các tìm kiếm của một dữ liệu đầu vào nhất định như từ khóa hoặc hình ảnh.

Các loại SEO phổ biến là gì?

Hai loại SEO phổ biến là SEO on-page và SEO off-page. SEO on-page đề cập đến tất cả các biện pháp có thể được thực hiện trực tiếp trong trang web để cải thiện vị trí của nó trong bảng xếp hạng tìm kiếm. SEO off-page đề cập đến tất cả các biện pháp có thể được thực hiện bên ngoài của trang web để cải thiện vị trí của nó trong xếp hạng tìm kiếm. Trong khi SEO on-page nói về nội dung kết hợp kỹ thuật thì SEO off-page thành công dựa trên sự tiếp xúc và tin tưởng.

SEO bao lâu thì lên top?

Trong trường hợp bạn chỉ muốn tìm hiểu cơ bản về SEO và thuê những người khác SEO cho bạn thì bạn nên biết rằng, họ có thể sẽ cần từ bốn tháng đến một năm để thực hành thành công.

Tạm kết

Có lẽ SEO thành công cần một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ nguyên tắc của công cụ tìm kiếm.

Tuy nhiên với 9 bước này, tôi hi vọng đó là những gì mang tính nền tảng mà một người mới bắt đầu cần nắm được.

Chiều dài bài viết có thể đi qua nhiều trang giấy nhưng nó sẽ giúp bạn thấu hiểu điều gì nên làm và điều gì không.

Hiểu biết về người dùng, tiếp cận thông tin theo hướng dữ liệu, xây dựng chiến lược nội dung phù hợp, giải quyết các vấn đề kỹ thuật – đó là tất cả những gì bạn cần tập trung vào để SEO thành công.

Trong trường hợp bạn chỉ muốn tìm hiểu cơ bản về SEO và thuê những người khác SEO cho bạn thì bạn nên biết rằng, họ có thể sẽ cần từ bốn tháng đến một năm để thực hành thành công.

YouTube video

Điều gì về SEO còn làm bạn băn khoăn, thảo luận với tôi bằng cách để lại một câu hỏi?

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Execution tại Vingroup. Anh ấy có gần 10 năm kinh nghiệm, từng quản lý đội ngũ marketing hơn 60 nhân sự, yêu thích việc chia sẻ bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

8 bình luận về “SEO: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu”

    • Chào Trang,

      Cám ơn bạn đã ghé thăm blog, hi vọng bài đăng hữu ích với bạn.

      Marketing là một lĩnh vực rộng lớn và đòi hòi phải có sự tìm tòi và học hỏi từ rất nhiều luồng kiến thức. Bạn có thể tìm thấy một số nguồn tài nguyên hữu ích về digital marketing trong bài đăng này để tiếp tục quá trình cải thiện kiến thức của mình.

      https://bettergrowth.org/blog/tu-hoc-digital-marketing/

      Thân,

      Trả lời
    • Chào Phát,

      Về cơ bản Blogspot và WordPress hay Joomla! đều là các nền tảng CMS. Bởi vậy, có thể nói cách SEO chúng cũng tương tự nhau.

      Nếu website của bạn được code A-Z thì lập trình viên có thể giúp bạn tối ưu mã nguồn; điều đó giúp website trở nên thân thiện hơn với công cụ tìm kiếm.

      Thân,

      Trả lời