1Tổng Quan 2Content Marketing 3SEO 4Email Marketing 5Social Media Marketing 6Digital Advertising 7Tự Học Digital Marketing
Trang chủ / Digital Marketing / Làm Thế Nào để Tự Học Digital Marketing?

Làm Thế Nào để Tự Học Digital Marketing?

Làm thế nào để tự học marketing và trở thành một người làm digital marketing chuyên nghiệp?

Câu trả lời là lý do bạn ở đây.

Ban đầu tôi được đào tạo để trở thành một người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, tôi đã từng không có kiến thức và kinh nghiệm về marketing — một “trang giấy trắng” theo nghĩa đen.

Phạm Đình Quân tại Đại học Nông nghiệp HN 2012
Phạm Đình Quân tại Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội năm 2012.

Ngày nay, tôi là một trong những người quản lý cấp trung tại tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam — VINGROUP — và bạn cũng có thể.

Nếu bạn mới bắt đầu học marketing, tôi tin rằng bạn đang tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Đôi khi, chúng khiến bạn bị bối rối.

Đừng lo lắng, tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước và cung cấp các tài nguyên cần thiết để bạn tự học digital marketing.

1. Tư duy, kỹ năng, công cụ

Khi chuẩn bị học một thứ gì đó, tôi luôn xem xét cách tốt nhất để cho phép bản thân mình dễ dàng tiếp thu kiến ​​thức.

Chúng ta cùng tìm hiểu ba yếu tố thiết yếu mà bạn có thể phát triển kiến thức gồm tư duy, kỹ năng và công cụ.

Tư duy - Kỹ năng - Công cụ

Tư duy

Tư duy (tiếng Anh: mindset) tập trung vào cách bạn nhìn, nhận thức và nhìn thế giới xung quanh. Đó là những gì bạn tin tưởng (cho dù nó có đúng hay không). Tư duy của bạn:

  • Là cách suy nghĩ của bạn,
  • Xác định hành động và quan điểm của bạn,
  • Xác định cách bạn sẽ giải thích và phản ứng với các tình huống. 

Tư duy của bạn có rất nhiều tiềm năng để phát triển và thay đổi, dựa trên những gì bạn tiếp thu.

Trong lĩnh vực marketing, bạn có thể phát triển tư duy của mình bằng cách học các kiến thức nền tảng và rèn luyện bộ kỹ năng.

Bạn nên bắt đầu từ việc tìm hiểu về:

  • Bản chất của marketing,
  • Hệ thống thông tin và nghiên cứu marketing,
  • Môi trường marketing (vĩ mô, vi mô),
  • Phân đoạn thị trường,
  • Thị trường mục tiêu,
  • Định vị sản phẩm,
  • Hành vi của khách hàng,
  • Marketing hỗn hợp (4P),
  • Kế hoạch marketing và nhiều hơn nữa.

Mặc dù mang tính lý thuyết nhưng phần kiến thức nền tảng về ngành là chìa khóa tạo nên lối tư duy và những quyết định đúng đắn khi bạn làm nghề.

Kỹ năng

Bộ kỹ năng (tiếng Anh: skillset) là các hành động bạn thực hiện dựa trên năng lực, kiến ​​thức và sự hiểu biết của bạn. Đó là những gì bạn làm.

Mức độ chuyên môn của bạn trong một nhiệm vụ cụ thể quyết định hiệu quả và hiệu suất.

Một số kỹ năng marketing chính bạn nên cải thiện để thúc đẩy công việc của mình:

  • Kỹ năng marketing tại nơi làm việc (đôi khi được gọi là kỹ năng mềm):
  1. Sáng tạo
  2. Nghiên cứu
  3. Lắng nghe
  4. Giao tiếp
  5. Phản biện
  6. Cộng tác
  • Kỹ năng marketing kỹ thuật:
  1. Viết
  2. SEO
  3. Quảng cáo trả tiền
  4. Email marketing
  5. Social media marketing

Công cụ

Bộ công cụ (tiếng Anh: toolset) là những thứ bạn sử dụng để hoàn thành công việc và cũng cải thiện Bộ kỹ năng của bạn.

Bộ công cụ có thể bao gồm các phương pháp, phần mềm, kỹ thuật, mô hình, cách tiếp cận và khuôn khổ được sử dụng kết hợp với (hoặc bổ trợ cho) kỹ năng của bạn để tạo ra giá trị và tối đa hóa hiệu quả công việc.

Một số công cụ marketing bạn thường thấy:

  • Facebook Ads
  • Google Ads
  • HubSpot
  • Ahrefs
  • Mailchimp

Mặc dù ba yếu tố tư duy, kỹ năng, công cụ đều đóng vai trò quan trọng và tương hỗ cho nhau nhưng khi xếp chúng dựa trên cấp độ, bạn sẽ thấy phát triển tư duy là khó nhất.

Tư duy - Kỹ năng - Công cụ

Càng xuống đến cấp độ phía dưới thì càng cần khả năng cập nhật kiến thức về nó nhiều hơn vì chúng có thể bị thay đổi theo thời gian.

Ví dụ: Giao diện trang quản lý hay chính sách sử dụng Facebook Ads, Google Ads, Google Analytics thay đổi thì bạn bắt buộc phải chạy theo sự thay đổi đó để cập nhật, nếu không bạn sẽ bị thị trường tự đào thải, theo nghĩa đen.

2. Môi trường và tài nguyên để bạn tự học digital marketing

Nắm được các yếu tố thiết yếu chỉ là điểm khởi đầu. Để tự học digital marketing, bạn cần biết nơi mà bạn có thể bắt đầu.

Chúng ta tự học trong hai môi trường là trực tuyến và ngoại tuyến. Tôi sẽ giúp bạn xác định các kênh học tập và tài nguyên dựa theo điều này.

2.1 Ngoại tuyến

Ở môi trường ngoại tuyến, bạn có thể bắt đầu học với:

Sách

Kênh học tập này quen thuộc với tất cả mọi người.

Sách đôi khi không giúp chúng ta hiểu được cặn kẽ những khó khăn liên quan tới kỹ thuật nhưng là một kênh thông tin quan trọng giúp bạn có được kiến thức nền tảng.

Trên thị trường có vô số tựa sách liên quan tới marketing. Người viết hay cũng nhiều, người viết kiến thức lệch lạc cũng không ít. Lựa chọn được một cuốn sách phù hợp, có kiến thức đúng đôi khi không hề dễ dàng.

Lời khuyên tốt là nên hỏi những người đi trước, nhiều kinh nghiệm để họ giới thiệu cho bạn.

Khuyến nghị

Bạn có thể tham khảo một số cuốn sách nổi tiếng mà tôi đề cập phía dưới:

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm nhiều tựa sách hay khác về marketing trong danh sách khuyến nghị của tôi.

Sự kiện

Các sự kiện đem lại cho bạn ít nhất hai lợi ích.

Thứ nhất, giúp bạn bổ sung thêm kiến thức chưa biết, chưa hiểu sâu hoặc đôi khi là một góc nhìn khác về chuyên môn.

Thứ hai, giúp bạn có môi trường tốt để chủ động tạo mối quan hệ với đồng nghiệp trong ngành, xây dựng mạng lưới cho bản thân.

Có một số hình thức sự kiện ngoại tuyến là:

  • Coffee talk là một buổi trò chuyện thân mật giữa một nhóm người về chuyên ngành, quy mô nhỏ hơn seminar và workshop.
  • Seminar (nói chuyện chuyên đề) là một buổi nói chuyện chuyên đề, thường chỉ tập trung vào một chủ đề cụ thể nào đó. Một seminar thường có khoảng từ vài chục người đến hàng trăm người. Hình thức thường là một diễn giả (có thể nhiều hơn) nói chuyện và sau đó thảo luận, hỏi đáp.
  • Workshop (hội thảo thực hành) là một cuộc họp nhỏ hơn và không quá chuyên sâu về kiến thức theo một chủ đề như seminar. Thông thường, một workshop có khoảng vài chục người trở xuống. Trong workshop có thực hành và bài tập, còn trong seminar thì không. Workshop có thể có chuyên gia hướng dẫn hoặc không, khi đó những người tham gia cùng nhau giải quyết một vấn đề.
  • Conference (hội nghị) là một cuộc họp lớn hơn seminar, số người tham dự từ vài trăm đến vài ngàn người. Hình thức thường là nhiều diễn giả nói chuyện, chia sẻ và sau đó thảo luận, hỏi đáp.
  • Symposium (hội nghị chuyên đề) là một cuộc họp mang tính chất nghiêm túc, với nhiều diễn giả trình bày về một hay nhiều chủ đề. Trừ các khách mời thì symposium chỉ gồm người trình bày, đều là chuyên gia, nghe lẫn nhau. Số người tham dự thường ít hơn conference, nhưng cũng có thể tương đương với seminar.
  • Summit (hội nghị thượng đỉnh) là một cuộc họp của các chuyên gia hàng đầu hoặc lãnh đạo cấp cao.

Tùy vào mục đích và nhu cầu mà bạn lựa chọn sự kiện phù hợp để tham gia.

Khuyến nghị

Tại Việt Nam, bạn có thể theo dõi các sự kiện mới của UAN — cộng đồng marketing và truyền thông năng động nhất ở thời điểm hiện tại.

Quan sát thực tế

Quan sát thực tế là cách để tiếp thu và học hỏi hiệu quả từ những thứ diễn ra hằng ngày, xung quanh chúng ta.

Đôi khi bạn không có dịp để học được nhiều từ sách hay internet thì chính cuộc sống là nơi đem lại cho bạn vô vàn thông tin thú vị về marketing.

Và bạn đừng chỉ nhìn, hãy tò mò để luôn đặt ra những câu hỏi tại sao và tự trả lời chúng.

Khi bạn càng sở hữu nhiều dữ liệu trong đầu thì khả năng bạn phản ứng trước một nhiệm vụ càng nhanh chóng, sáng tạo và hiệu quả.

2.2 Trực tuyến

Ở môi trường trực tuyến, bạn có thể bắt đầu tự học marketing online miễn phí với:

Blog

Blog là kênh thông tin chủ yếu để bạn có thể tự học trực tuyến.

Khi muốn chia sẻ các vấn đề, mọi người thường có xu hướng muốn viết nhiều hơn quay video hay ghi âm lại. Bởi vậy, blog trở nên phổ biến và cung cấp khối lượng kiến thức vô cùng lớn.

Bên cạnh blog cá nhân thì website của các tổ chức/công ty hoạt động về marketing cũng là nguồn tài liệu học tập hữu ích.

Tôi sẽ giới thiệu đến bạn một số blog và website mà tôi thường hay cập nhật kiến thức. Tôi chia chúng theo những kênh chính hoặc kỹ năng quan trọng trong digital marketing.

Cập nhật tin tức về ngành marketing
  • Ad Week — Nguồn hàng đầu về tin tức, insight và cộng đồng cho các nhà tiếp thị, truyền thông và agencies.
  • Ad Age — Trang tin nên đọc hàng ngày dành cho những người làm quảng cáo và truyền thông.
  • Campaign Network (Asia Pacific | Japan | China | Andia) — Cập nhật những thông tin hấp dẫn nhất của thị trường truyền thông trong khu vực.
  • Brands Vietnam — Cổng thông tin hàng đầu cung cấp tin tức toàn diện về các thương hiệu, agency tại Việt Nam.
  • Advertising Vietnam — Chia sẻ và cập nhật thông tin, dành cho các bạn yêu thích quảng cáo, truyền thông và marketing. Đặc biệt những bạn đang làm tại các agency và nhãn hàng.
SEO
  • Trung tâm Google Tìm kiếm — Giúp bạn nắm được kiến thức tổng quan toàn diện về những khái niệm cơ bản của hoạt động SEO theo các phương pháp hay nhất.
  • Search Engine Journal — Ra mắt vào năm 2003, SEJ cung cấp những tin tức mới nhất và các cập nhật mới nhất thông qua những chuyên gia tốt nhất trong ngành.
  • Ahrefs — Blog của Ahrefs giúp bạn cải thiện kiến thức SEO thông qua những hướng dẫn chi tiết.
  • Semrush — Cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và có giá trị cao về SEO nói riêng và marketing nói chung.
  • Yoast SEO — Blog của Yoast chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về một số chủ đề như Content SEO, Technical SEO và WordPress.
  • Backlinko — Blog hàng đầu về SEO dành cho những người mới bắt đầu và yêu thích nội dung dài.
ASO
  • Apptweak — Cung cấp các hướng dẫn chi tiết và lời khuyên của chuyên gia về cách tối ưu hóa ứng dụng của bạn trong App Store.
Content marketing
  • Content Marketing Institute — Nơi mà sứ mệnh của họ là giúp bạn thúc đẩy kỹ năng làm content marketing. Trang web có đầy đủ các hướng dẫn thực tiễn, bạn sẽ tìm thấy cái nhìn sâu sắc và lời khuyên từ các chuyên gia.
  • Copyblogger — Một trong những trang web hàng đầu chia sẻ kiến thức về copywriting, content marketing và viết blog.
Social media marketing
  • Social Media Today — Tài nguyên trực tuyến dành cho những ai muốn tìm hiểu về social marketing, content marketing, digital strategy và hơn thế nữa.
  • Social Media Examiner — Trang web giúp các doanh nghiệp bổ sung kiến thức để tìm khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu và phát triển thương hiệu bằng cách sử dụng Facebook, LinkedIn, Instagram, TikTok.
  • Hootsuite — Cung cấp kiến thức trải rộng về mọi thứ của social media marketing, bao gồm những chiến lược, lời khuyên và các mẹo mà bạn có thể áp dụng.
  • Buffer — Các hướng dẫn được nghiên cứu kỹ lưỡng và các thay đổi về social media mới nhất.
Quảng cáo trả tiền
  • KlientBoost — Các hướng dẫn chuyên sâu về việc cải thiện hiệu suất của Google Ads, Facebook Ads và tỷ lệ chuyển đổi của bạn.
  • AdEspresso — Tài nguyên tốt nhất để cập nhật chiến thuật Facebook và Google Ads cho các chiến dịch chuyển đổi thành công.
  • Google Ads & Commerce — Tin tức, mẹo và thông tin về các sản phẩm Google Ads và Commerce.
  • Facebook Developers Blog — Tin tức, thông tin, mẹo và thủ thuật mới nhất cho quảng cáo trên Facebook.
  • Jon Loomer — Blog cá nhân hàng đầu về Facebook Ads, nơi các nhà quảng cáo Facebook nâng cao đến để trau dồi kỹ năng của họ.
Email marketing
  • SendGrid — Điểm đến của bạn cho tất cả mọi thứ về email.
  • Litmus — Nâng cao khả năng tiếp thị qua email của bạn với các phương pháp hay nhất, cách làm, xu hướng và hơn nữa.
  • Campaign Monitor — Cập nhật nội dung tốt nhất về email marketing để cải thiện kết quả của bạn.
Phân tích và tối ưu hóa
  • Supermetrics — Các nội dung tuyệt vời từ hệ sinh thái dữ liệu hàng đầu thế giới về phân tích marketing và quản lý dữ liệu.
  • Hotjar — Các hướng dẫn để cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng chuyển đổi, đồng thời giúp bạn hiểu rõ hơn về hành vi của người dùng.
  • Analytics Mania — Giúp bạn hiểu rõ hơn về Google Analytics, Google Tag Manager và cách sử dụng chúng ra sao để đạt kết quả tốt nhất.
  • CXL — Tài nguyên hàng đầu cho việc tìm hiểu về tối ưu hóa, A/B testing và phân tích kỹ thuật số.

Video

Video là cách mà những người muốn truyền tải kiến thức muốn chia sẻ trọn vẹn nhất. Bởi trong video, người chia sẻ sẽ giúp người xem hiểu được vấn đề nhanh chóng thông qua giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.

Hiện nay có rất nhiều nền tảng giúp mọi người đưa video của mình lên như Youtube, Facebook, TikTok. Những nơi đó chính là chỗ chúng ta khai thác và học kiến thức marketing từ video.

Một số kênh video mà bạn có thể học những điều tuyệt vời về marketing mỗi ngày:

  • Marketing by Vijay — Kênh Youtube của Giáo sư Vijay Prakash Anand nhằm mục đích đơn giản hóa lĩnh vực marketing, giúp bạn dễ hiểu hơn về các kiến thức lý thuyết và dễ dàng tự học marketing căn bản.
  • HubSpot Marketing — Không chỉ tạo ra những công cụ tuyệt vời và rất nhiều bài viết giá trị về marketing, HubSpot còn có một kênh Youtube để giúp mọi người dễ dàng cải thiện kiến thức.
  • Think with Google — Bạn có thể tìm thấy insights, ý tưởng, nguồn cảm hứng từ quan điểm và hướng dẫn marketing được chia sẻ bởi các chuyên gia.
  • Ahrefs — Thông qua các video, bạn sẽ học cách phát triển lưu lượng truy cập tự nhiên trên Google, cải thiện khả năng hiển thị trên YouTube và hơn nữa.
  • Google Search Central — Bạn có thể tìm thấy thông tin và công cụ để giúp bạn cải thiện trang web của mình trong Google Tìm kiếm.

Khóa học trực tuyến

Tham gia các khóa học trực tuyến cũng là một lựa chọn tốt để tự học. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều khóa học hữu ích với chi phí thấp hoặc miễn phí.

Một số trang web học trực tuyến mà bạn có thể tham khảo:

  • Brandcamp — Cung cấp các khóa học trực tuyến về marketing, kinh doanh và sáng tạo. Một số khóa học trên Brandcamp là miễn phí, bạn có thể học trước để xem chất lượng bài giảng trước khi bỏ tiền mua những khóa học trả phí.
  • Skillshop Nền tảng đào tạo của Google nhằm hỗ trợ bạn phát triển kỹ năng sử dụng các công cụ và giải pháp của Google.

3. Học và thực hành

Sau khi đã có các nguồn cung cấp kiến thức uy tín, bạn hãy bắt đầu tìm hiểu một số chủ đề mà mình thực sự quan tâm.

Câu hỏi bây giờ là: Bắt đầu học từ kiến thức nào? Kỹ năng gì?

Thật tiếc rằng không có câu trả lời nào chính xác cho câu hỏi trên. Bạn phải tự mình đối diện với điều đó và đưa ra quyết định của cá nhân mình.

Để dễ tiếp cận khi bắt đầu, bạn có thể chia nhỏ các kỹ năng theo danh mục dựa trên các giai đoạn trong hành trình của khách hàng. Hai giai đoạn chính mà bạn nên đi sâu là:

  • Thu hút (tiếng Anh: acquisition):
  1. SEO,
  2. Quảng cáo trả tiền (Facebook Ads, Google Ads, TikTok Ads),
  3. Thiết kế landing page,
  4. Copywriting,
  5. Content marketing,
  6. Social media marketing,
  7. Affiliate marketing và hơn nữa.
  • Giữ chân (tiếng Anh: retention):
  1. Email marketing,
  2. Thông báo đẩy,
  3. Xây dựng cộng đồng và hơn nữa.

Nhưng bạn không thể “học, học nữa, học mãi” mà không làm.

Lưu ý

Quá nhiều người dành toàn bộ thời gian để đọc blog mà không thực hiện hoặc thử nghiệm những gì họ đang nghiên cứu và kết quả là họ chẳng học được gì.

Có nhiều cách để bạn bắt đầu với việc thực hành:

  • Viết blog
  • Phát triển một kênh mạng xã hội
  • Xây dựng cộng đồng
  • Chạy quảng cáo Facebook hoặc Google

Hãy bước chậm và chắc chắn bởi vì bạn luôn có thể mở rộng các kỹ năng khác của mình sau này. Bạn đừng cố gắng làm mọi thứ ngay từ đầu, bạn sẽ mệt mỏi và kiệt sức.

Nếu bạn muốn miễn phí hoặc ít tốn kém, dễ nhất là bắt đầu một blog. Nó cũng rất lý tưởng cho việc cải thiện kỹ năng content marketing và digital marketing bởi vì bạn có thể thử nghiệm hầu hết các chiến thuật trên đó.

Trang chủ bettergrowth.org phiên bản đầu tiên năm 2017
Trang chủ bettergrowth.org phiên bản đầu tiên năm 2017.

Mặc dù vậy, không nhất thiết phải là một blog, bạn có thể thực hành quảng cáo hoặc bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, tôi không khuyên bạn nên bắt đầu với quảng cáo trừ khi bạn có nhiều tiền để đốt hoặc đang được hỗ trợ bởi công ty.

Nếu bạn tiếp tục học hỏi và thử nghiệm, không để bản thân lười biếng, bạn có thể dễ dàng trở thành người làm digital marketing chuyên nghiệp và nắm giữ vị trí cốt cán trong một công ty.

Chỉ là tò mò muốn biết: Bạn sẽ tự học digital marketing như thế nào? Bạn sẽ chọn kỹ năng nào để bắt đầu?

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Execution tại Vingroup. Anh ấy có gần 10 năm kinh nghiệm, từng quản lý đội ngũ marketing hơn 60 nhân sự, yêu thích việc chia sẻ bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

18 bình luận về “Làm Thế Nào để Tự Học Digital Marketing?”

    • Chào Mới,

      Cám ơn bạn đã ghé thăm blog, hi vọng bạn nhận được những điều hữu ích thông qua bài viết.

      Thân,

      Bình luận
  1. quá tuyệt vời, đọc những bài viết của anh em có cảm giác tin tưởng vào tương lai, yêu nghề và hào hứng hơn để học hỏi, tìm hiểu. Cảm ơn anh rất nhiều.

    Bình luận