Trang chủ / Frameworks / GOST

GOST

GOST là một công cụ hỗ trợ tích cực cho việc lập kế hoạch chiến lược để chuyển đổi các mục tiêu lớn thành các hành động cụ thể. GOST là viết tắt của Goals (Mục tiêu chung), Objectives (Mục tiêu cụ thể), Strategies (Chiến lược) và Tactics (Chiến thuật).

1. Giới thiệu

GOST được phát triển bởi Rich Horwath, là một mô hình được sử dụng trong marketing để thiết lập mục tiêu và kế hoạch hành động một cách rõ ràng, cụ thể và có tính thực thi cao. Nó bao gồm bốn yếu tố quan trọng:

GOST Framework
  • Goals (Mục tiêu chung): Là mục tiêu dài hạn, định tính, tổng quát và định hướng tầm nhìn lớn.
  • Objectives (Mục tiêu cụ thể): Là mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, liên quan và có thời hạn.
  • Strategies (Chiến lược): Là cách tiếp cận tổng thể được xây dựng để đạt được các mục tiêu cụ thể đã đề ra.
  • Tactics (Chiến thuật): Là các hành động cụ thể, chi tiết được triển khai hàng ngày nhằm hiện thực hóa chiến lược.

GOST giúp các nhà quản lý marketing đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa tầm nhìn dài hạn và các hành động cụ thể trong việc xây dựng các kế hoạch chiến lược, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Biểu đồ góc phần tư thể hiện mô hình GOST

2. Cách áp dụng

Dưới đây là các bước áp dụng GOST vào việc lập kế hoạch marketing:

Cấu trúc GOST marketing plan
Cấu trúc kế hoạch marketing theo mô hình GOST.

Bước 1: Xác định mục tiêu chung

Đặt ra các mục tiêu dài hạn đáp ứng các yếu tố sau:

  • Phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức
  • Mang tính định hướng và truyền cảm hứng
  • Không cần quá chi tiết nhưng phải rõ ràng

Ví dụ: Tăng tỷ trọng doanh thu kênh bán trực tiếp trên website của thương hiệu lên 70%, giảm phụ thuộc vào đại lý.

Bước 2: Xác định mục tiêu cụ thể

Mục tiêu cụ thể giúp chia nhỏ mục tiêu chung của bạn thành các bước dễ quản lý và đảm bảo bạn đang đi đúng hướng. Nếu bạn chỉ tập trung vào mục tiêu chung của mình, bạn có thể dễ dàng bị lạc trong quá trình và mất dấu công việc bạn đang làm.

Mục tiêu cụ thể là những hành động có khả năng đo lường được mà bạn có thể thực hiện để đạt được mục tiêu chung của mình.

Bạn nên đặt mục tiêu theo tiêu chí SMART bởi nó sẽ giúp bạn đặt ra các mục tiêu có tác động bằng cách đảm bảo chúng cụ thể, có thể đo lường, có thể đạt được, liên quan và có giới hạn thời gian.

Ví dụ:

  • Đạt 300.000 lượt truy cập website trong quý II.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 5% trong 2 tháng.
  • Giảm tỷ lệ rời bỏ giỏ hàng xuống 7% sau tháng 5.

Bước 3: Phát triển chiến lược

Chiến lược là kế hoạch hướng tới việc đạt được mục tiêu cụ thể bằng cách tập trung vào cách thức thực hiện (how).

Chiến lược chỉ tập trung vào cách tiếp cận tổng thể, không đi vào hành động chi tiết. Nó cũng cần phản ánh cách bạn sẽ cạnh tranh hoặc vượt qua thách thức.

Ví dụ:

  • Xây dựng các trang landing page độc lập cho từng gói sản phẩm.
  • Cung cấp mã giảm giá cho khách hàng mới.
  • Retargeting những người dùng đã rời bỏ trang giỏ hàng.

Bước 4: Lập kế hoạch chiến thuật

Ở bước này, bạn lập kế hoạch bao gồm danh sách các hoạt động chi tiết cần thực hiện để biến chiến lược thành hành động thực tế. Chiến thuật cần cụ thể, ngắn hạn, khả thi và có thể phân công cụ thể.

Ví dụ:

  • Tạo 2 landing page cho gói sản phẩm đang bán tốt nhất để A/B testing trong 2 tuần.
  • Sử dụng Facebook Ads để tiếp cận lại những người đã rời bỏ trang giỏ hàng và cung cấp cho họ mã ưu đãi giảm 5%.

Nếu bạn thấy mình không đạt được mục tiêu, hãy thử điều chỉnh chiến thuật trước khi thay đổi chiến lược.

3. Ví dụ

Áp dụng GOST cho một thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam:

Mục tiêu chung: Trở thành thương hiệu thời trang bền vững hàng đầu tại Việt Nam trong 10 năm tới.

Mục tiêu cụ thể: Tăng doanh thu từ dòng sản phẩm bền vững lên 25% trong 12 tháng và đạt 50.000 người tham gia chương trình tái chế quần áo trong 6 tháng.

Chiến lược: Nâng cao nhận thức về thời trang bền vững thông qua truyền thông mạng xã hội và xây dựng cộng đồng khách hàng thân thiện với môi trường.

Chiến thuật:

  • Đăng video/tuần trên TikTok về quá trình sản xuất quần áo bền vững.
  • Hợp tác với 2 KOLs có hơn 200.000 người theo dõi để quảng bá chương trình tái chế.
  • Tổ chức sự kiện “Ngày Tái Chế” tại Hà Nội và TP.HCM với mục tiêu thu hút 1.000 người tham gia mỗi địa điểm.
  • Chạy quảng cáo Facebook Ads và Google Ads với ngân sách 300 triệu đồng/tháng.

Kết quả đo lường: Sau 3 tháng, doanh thu dòng sản phẩm bền vững tăng 15%, 20.000 người tham gia chương trình tái chế. Dựa trên dữ liệu, thương hiệu có thể tăng ngân sách quảng cáo hoặc mở rộng sự kiện để đạt các mục tiêu cụ thể.

BetterGrowth chỉ sử dụng các nguồn đáng tin cậy nhằm bổ sung thông tin hoặc đảm bảo tính chính xác của nội dung trong các bài viết. Chúng tôi cam kết cung cấp các tài nguyên đặt chất lượng lên hàng đầu.