Trang chủ / Marketing / Học Cách Học để Bắt Đầu với Marketing: Hướng Dẫn Từng Bước

Học Cách Học để Bắt Đầu với Marketing: Hướng Dẫn Từng Bước

Cùng nhiều ngành nghề khác như lập trình hay thiết kế, marketing cũng là một nghề được xã hội đón nhận mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Với sự phát triển của công nghệ, những khái niệm mới về digital marketing, martech và tầm quan trọng của bộ phận marketing ở mỗi doanh nghiệp khiến marketing càng trở thành một từ khóa hot cho nhiều bạn trẻ bắt đầu sự nghiệp.

Nhưng khi bắt đầu, cho dù bạn đã đăng ký theo học ngành marketing ở trường đại học thì liệu bạn đã đi đúng hướng, học đúng cách?

Trong bài đăng này, tôi sẽ không đưa ra nhiều khái niệm về học thuật. Bởi tôi nghĩ điều đó nên để tự bạn tìm hiểu và khám phá.

Như tiêu đề bài viết, tôi nói về học cách học để bắt đầu với marketing.

Tiếp tục nào!

1. Tại sao bạn muốn bắt đầu với marketing?

Tôi sẽ mở đầu bằng việc giới thiệu cho bạn một lý thuyết mà tôi rất tâm đắc, khi áp dụng vào nhiều vấn đề khác nhau thì tôi thấy vẫn đúng.

Đó là thuyết Vòng Tròn Vàng (tiếng Anh: Golden Circle) do tác giả Simon Sinek giới thiệu tại TED Talks.

Về cơ bản, Vòng Tròn Vàng gồm có ba phần mà trong đó trọng tâm là Why (tại sao), tiếp đến là How (làm thế nào) và bên ngoài cùng là What (cái gì).

Áp dụng thuyết Golden Circle (Vòng Tròn Vàng) cho cách bắt đầu học Marketing
Áp dụng thuyết Vòng Tròn Vàng cho việc học marketing.

Tại sao tôi giới thiệu thuyết Vòng Tròn Vàng với bạn?

Bởi vì tôi biết bạn đang nghĩ đến việc bạn muốn làm gì đó trong marketing, có thể là content, SEO, Facebook Ads,… đại loại vậy.

Nhưng bạn biết không, đó chỉ là kết quả — điều bạn muốn làm.

Và, bạn đã hoặc đang tìm cách học các kỹ năng, cố gắng tiếp nhận càng nhiều càng tốt để làm được công việc chuyên môn như SEO để đưa website lên top Google.

Điều đó không sai nhưng tôi tin chắc rằng, chừng nào bạn chưa tìm ra lý do khiến bạn thực sự muốn làm, niềm tin của bạn, tầm nhìn của bạn với ngành nghề thì có lẽ bạn sẽ khó có thể trở thành một người làm marketing tài năng.

Đôi khi tệ hơn, bạn sẽ nghĩ đến việc rời bỏ lĩnh vực này do tác động từ môi trường xung quanh như thiếu năng lực cạnh tranh hoặc áp lực công việc,…

Hãy xem video dưới đây của Simon Sinek để biết thêm điều mà tôi đang nói với bạn, bạn sẽ được truyền cảm hứng.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn để chiêm nghiệm về lý thuyết này, bạn có thể tham khảo cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi tại sao?” của chính tác giả Simon Sinek.

2. Xác định phương pháp tiếp cận kiến thức

Thật không dễ dàng gì để nhận ra kiến thức về marketing là vô cùng đồ sộ nếu bạn chỉ biết đến và luôn quẩn quanh những kỹ năng công cụ đơn thuần.

Trước đây, tôi không theo học chuyên ngành marketing nên tôi cũng không được dạy bài bản kiến thức nền tảng về ngành này.

Tôi học mọi thứ về marketing từ sách, internet, những người xung quanh và trải nghiệm thực tế.

Có thể giống bạn, tôi bắt đầu với quảng cáo Facebook. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm content marketing, SEO, email marketing,…

Với digital marketing, có khoảng vài chục kỹ năng (hoặc nhiều hơn) để trở thành full-stack marketer. Và khi tôi tìm hiểu đến khoảng hơn mười kỹ năng thì tình cờ tôi phát hiện có điều gì đó chưa đúng.

Một câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Mình đã thực sự biết và hiểu về bức tranh ngành marketing?

Câu trả lời là: Chưa.

Và khoảnh khắc đó giúp tôi biết rằng, trong những năm đầu tiên, tôi đã có một chút thiếu hiểu biết khi tiếp cận các kiến thức về marketing.

Vì vậy hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách để tránh mắc phải sai lầm (như tôi trước đây); từ đó cải thiện kiến thức của bạn một cách rõ ràng và nhanh chóng hơn.

2.1 Giới thiệu phương pháp học Top-down và Bottom-up

Top-down (tiếng Việt: từ trên xuống) và bottom-up (tiếng Việt: từ dưới lên) là hai khái niệm đã xuất hiện cách đây rất lâu, nhằm đề cập đến hai chiến lược xử lý thông tin và sắp xếp kiến ​​thức.

được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm quản lý và tổ chức, phát triển phần mềm, nghiên cứu khoa học, giảng dạy,…

Top-down và bottom-up

Top-down learning refers to learning explicit knowledge first and then learning implicit knowledge on that basis.

— Nguồn: DOI.

Tạm dịch: Học từ trên xuống đề cập đến việc học kiến ​​thức rõ ràng trước và sau đó tiếp thu kiến ​​thức tiềm ẩn trên cơ sở đó.

Bottom-up learning refers to learning implicit knowledge first and then learning explicit knowledge on that basis.

— Nguồn: DOI.

Tạm dịch: Học từ dưới lên đề cập đến việc tiếp thu kiến ​​thức ngầm trước và sau đó học kiến ​​thức rõ ràng dựa trên cơ sở đó.

Kiến thức rõ ràng (explicit knowledge) là kiến ​​thức được khớp nối, mã hóa, lưu trữ và truy cập. Nó có thể dễ dàng truyền đạt cho người khác. Đó là kiến ​​thức được chúng ta biết đến nhiều nhất từ ​​sách giáo khoa, sách,…

Kiến thức ngầm (implicit knowledge) là kiến ​​thức đạt được thông qua các hoạt động tình cờ, hoặc không có nhận thức rằng việc học đang xảy ra. Nó khó có thể được xác định và truyền đạt cho người khác.

Mỗi nhóm kiến ​​thức mà bạn biết ngày nay chỉ là phần nổi của tảng băng; đó là kiến ​​thức rõ ràng mà bạn có thể tìm hiểu.

Nhưng những gì không nhìn thấy là lượng kiến thức ngầm không thể giải thích ngay lập tức. Chỉ sau một thời gian với sự quan sát, tiếp thu và kiểm tra nhất định, nó mới có thể hiện ra khối kiến ​​thức ngắn gọn và dễ hiểu — còn gọi là kiến ​​thức rõ ràng.

Cách tiếp cận từ trên xuống (top-down) với việc học marketing:

Bạn sẽ bắt đầu với các khối kiến thức lớn, mang tính nền tảng bao gồm sự ra đời và phát triển của marketing, các khái niệm trong marketing, tìm hiểu mục tiêu và chức năng của marketing, môi trường marketing, định vị, hành vi khách hàng, marketing mix, phân loại marketing, kế hoạch marketing,…

Sau đó, bạn sẽ dần đi vào tìm hiểu các phần kiến thức chi tiết bên trong. Đây là cách học marketing phổ biến nhất nếu bạn được đào tạo qua trường lớp và sách giáo khoa.

Quá trình học từ trên xuống là khi bạn chủ động và cố ý để đạt được kiến thức, suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cách bạn nhìn (hiểu/nhận thức) những thứ xung quanh.

Cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) với việc học marketing:

Bạn sẽ bắt đầu với những điểm chạm đầu tiên mà bạn nhận thấy thông qua sự tình cờ, cuộc sống, internet,…

Sau một quá trình quan sát và tiếp thu, thông qua việc kiểm chứng và khớp nối/hệ thống hóa các phần kiến thức một cách có logic, bạn sẽ dần nắm được khối kiến thức lớn hơn, nền tảng hơn về marketing (tức là phần đỉnh/ngọn ở trên).

Đây là cách học marketing phổ biến mà bạn sẽ thấy được ở những người tự học mà không qua trường lớp đào tạo.

Quá trình học từ dưới lên là khi những thứ xung quanh (kích thích) ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn; bạn hoàn toàn dựa vào bản năng và sự vô ý để đạt được kiến thức.

Mặc dù mỗi người sẽ có một cách học marketing khác nhau nhưng nếu bạn hiểu ưu nhược điểm của mỗi phương pháp và áp dụng phù hợp, bạn sẽ sớm nhận thấy tính hiệu quả bất ngờ của chúng.

Cơ sở để so sánhTiếp cận từ trên xuốngTiếp cận từ dưới lên
Cơ bảnPhân rã khối kiến thức lớn, vĩ mô thành các phần kiến thức nhỏ hơn.Tiếp thu kiến thức cấp thấp, chi tiết và hệ thống hóa chúng thành khối kiến thức lớn hơn, logic hơn.
Hành viChủ động và cố ý để đạt được kiến thức.Dựa vào bản năng và sự vô ý để đạt được kiến thức.
Dư thừaTìm hiểu bề rộng dẫn tới chứa một số thông tin dư thừa, không sử dụng đến.Tìm hiểu dựa trên sự cần thiết vì vậy thông tin dư thừa có thể được loại bỏ.

Mỗi phương pháp đều có cái hay riêng, vì vậy bạn tự hỏi: Mình nên chọn phương pháp nào để tiếp cận các kiến thức trong marketing?

2.2 Tiếp cận theo phương pháp nào để bắt đầu học marketing?

Trong thời đại phát triển như ngày nay, tôi nghĩ rằng thật khó để bạn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp.

Nếu tiếp cận từ trên xuống, bạn sẽ cần một quá trình dài để có thể bắt đầu làm được những công việc thực tiễn mà nhu cầu xã hội đang kỳ vọng.

Ngược lại, nếu tiếp cận từ dưới lên một cách mù quáng, bạn sẽ dễ dàng bị rơi vào cái bẫy chạy theo xu hướng của thị trường việc làm. Đó là khi bạn chỉ quanh quẩn với những kỹ năng đơn thuần, công cụ, nền tảng quảng cáo, thủ thuật,… mà không nắm được các phần kiến thức nền tảng giúp bạn hình thành lối suy nghĩ và tư duy đúng đắn về marketing.

Bởi vậy theo tôi, bạn cần có một sự phối hợp linh hoạt của cả hai phương pháp này.

  • Từ trên xuống: Tìm hiểu các phần kiến thức nền tảng/nguyên tắc về marketing.
  • Từ dưới lên: Tập trung vào một kỹ năng, đào sâu về nó; tăng cường sự tò mò và sáng tạo. Sau đó mở rộng sang các mảng kiến thức khác và khớp nối/hệ thống hóa thông tin.

Theo dõi tiếp để biết cách học marketing của tôi (nếu tôi được học lại từ đầu)!

3. Học như thế nào để có kiến thức làm marketing?

3.1 Hiểu được bức tranh tổng thể về marketing

Bước đầu tiên trong chữ HOW trong thuyết Vòng Tròn Vàng nêu trên không phải là việc bạn tùy chọn một kỹ năng và học thật giỏi.

Bạn nên tìm ra bức tranh tổng thể về marketing, tìm hiểu kiến thức nền tảng và biết về sự tồn tại của các yếu tố trong đó (tức là học từ trên xuống).

Làm sao ư? Nó đây.

Bản đồ khái niệm trong marketing (Marketing Mix)
Bản đồ khái niệm trong marketing.

Thật choáng ngợp với rất nhiều thuật ngữ và các mũi tên thể hiện mối liên quan phải không nào?

Nếu bạn có thời gian và đủ kiên trì, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu về từng yếu tố (mặc dù có thể chỉ là khái niệm) trong bức tranh phía trên để biết tầm quan trọng của chúng.

Thông qua đó, bạn cũng sẽ có được một góc nhìn tổng quan về marketing.

3.2 Nhận ra một số từ khóa trọng tâm

Nhìn vào bản đồ phía trên, bạn có thể thấy từ khóa “marketing mix” là nổi bật nhất.

Nhưng tại sao?

Marketing mix (marketing hỗn hợp) là một khái niệm cơ bản và quan trọng trong marketing. Là tập hợp các công cụ tiếp thị được doanh nghiệp sử dụng để đạt được trọng tâm tiếp thị trong thị trường mục tiêu.

Đó là về việc đưa đúng sản phẩm vào đúng nơi, vào đúng thời điểm và đúng mức giá cả.

Khái niệm 4P được một nhà tiếp thị nổi tiếng, E. Jerome McCarthy, đề nghị phân loại vào năm 1960.

Từ đó, thuật ngữ marketing mix thường gắn liền với 4P và được sử dụng rộng rãi.

4P Marketing Mix
Nguồn ảnh: Adobe Stock.
  • Product (Sản phẩm): Đề cập đến những gì doanh nghiệp cung cấp để bán và có thể bao gồm các sản phẩm hoặc dịch vụ. Các quyết định sản phẩm bao gồm “chất lượng, tính năng, lợi ích, kiểu dáng, thiết kế, thương hiệu, bao bì, dịch vụ, bảo hành, bảo hành, vòng đời, đầu tư và lợi nhuận”.
  • Price (Giá cả): Là chi phí khách hàng phải bỏ ra để đổi lấy sản phẩm hay dịch vụ của nhà cung cấp. Nó được xác định bởi một số yếu tố trong đó có thị phần, cạnh tranh, chi phí nguyên liệu, nhận dạng sản phẩm và giá trị cảm nhận của khách hàng với sản phẩm.
  • Place (Phân phối): Đề cập đến vị trí thực tế nơi doanh nghiệp thực hiện kinh doanh hoặc các kênh phân phối được sử dụng để tiếp cận thị trường. Nó có thể bao gồm bất kỳ cửa hàng vật lý cũng như các cửa hàng ảo trên Internet.
  • Promotions (Xúc tiến thương mại / Hỗ trợ bán hàng): Là tất cả các hoạt động nhằm đảm bảo rằng khách hàng nhận biết về sản phẩm hay dịch vụ của bạn, có ấn tượng tốt về chúng và thực hiện giao dịch mua bán thật sự.

Sau này, có thêm sự mở rộng từ 4P thành 7P.

Việc mở rộng không có nghĩa mô hình marketing 4P không còn giá trị cốt lõi mà bởi mô hình 7P phù hợp hơn khi áp dụng vào một số ngành, nhất là các ngành dịch vụ.

7P

Khi tri thức ngày càng nâng cao, nhiều nghiên cứu và tính ứng dụng thực tế được thực hiện. Marketing mix có thêm nhiều biến thể khác như 4C—consumer wants and needs (mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng), cost (giá cả), convenience (tiện lợi), communication (giao tiếp).

4C
Marketing mix – 4C.

Nhưng nhìn chung, mọi sự chuyển đổi hay mở rộng của các mô hình marketing đều được dựa trên giá trị cốt lõi của 4P.

3.3 Tiếp cận với digital marketing

Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể và những từ khóa mang tính học thuật nền tảng, khái quát,… thì bạn khó có thể làm được thứ gì thiết thực.

Bởi vì ngày nay chẳng ai cho một người mới bước vào ngành, còn chưa biết một kỹ năng gì ngồi vạch chiến lược rồi lên kế hoạch triển khai các chiến dịch cả.

May mắn thay, digital marketing là một cánh cửa giúp bạn tiến sâu vào trong marketing hiện đại nói riêng và marketing nói chung.

Digital marketing là một phần của marketing chứ không phải là một ngành riêng biệt, tách khỏi marketing.

Tiếp cận như thế nào cho đúng?

Trong mô hình 4P, bạn có thể thấy chữ P thứ tư là viết tắt của từ Promotion.

Vậy, promotion trong mô hình marketing mix là gì?

Promotional mix là tập hợp các công cụ mà người làm marketing có thể sử dụng để truyền tải thông điệp hoặc tương tác với người dùng và tác động đến quyết định mua hàng của họ.

Cách tiếp cận digital marketing

Các hoạt động được xác định là promotional mix thường bao gồm các yếu tố sau:

  • Advertising (Quảng cáo): Là phương thức quảng cáo đại chúng, phủ nhiều loại đối tượng hoặc không phân biệt nhằm mục đích lan truyền thông điệp hoặc nhận diện thương hiệu trên diện rộng.
  • Direct marketing (Marketing trực tiếp): Là phương thức quảng cáo cũng có độ phủ nhưng có nhắm chọn đối tượng, không đại chúng như advertising.
  • Sales promotion (Xúc tiến bán hàng): Là các hoạt động nhằm mục đích khuyến khích và kích thích người dùng mua sản phẩm bao gồm discount, vouchers, coupons, phối hợp trưng bày sản phẩm (dễ thấy nhất là ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị), hàng cho dùng thử, trả góp,…
  • Personal selling (Bán hàng cá nhân): Là phương thức tiếp cận người dùng trực tiếp thông qua các nhân viên bán hàng hoặc tư vấn viên.
  • Public relations (Quan hệ công chúng): Là các hoạt động nhằm mục đích xây dựng một hình ảnh đồng nhất của thương hiệu không chỉ đối với khách hàng mà còn với những nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.

Khi đã biết được những yếu tố bên trong promotional mix, bạn sẽ thấy rằng digital và traditional chỉ đóng vai trò là phương tiện để truyền tải thông điệp đến với người dùng, khách hàng.

Và cho dù là với kênh kỹ thuật số hay truyền thống thì đều phải trải qua 3 bước như hình:

Quá trình truyền tải thông điệp marketing
Nguồn ảnh: Conversion.vn.
  • Creative: Tạo ra các nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Nội dung truyền tải cần dễ hiểu, xúc tích mang thông điệp rõ ràng.
  • Transmit: Quá trình sử dụng các công cụ, kỹ năng, lợi thế,… để truyền tải được nội dung thông điệp đến với đối tượng muốn hướng tới.
  • Audit: Đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng bá dựa vào các tiêu chí được đặt ra trong kế hoạch.

3.4 Chọn kỹ năng marketing phù hợp và học sâu về nó

Như tôi có chia sẻ ở phía trên, trong digital marketing có khoảng vài chục kỹ năng quan trọng.

Tôi không có ý định khuyên bạn chỉ học tốt một thứ và hãy quên tất cả những kỹ năng còn lại trong suốt quá trình làm nghề.

Nếu tôi nói vậy, tức là tôi không muốn điều tốt đến với bạn.

Vấn đề ở đây là, bạn sẽ không thể nào học hết được tất cả các kỹ năng cùng một lúc và cùng giỏi. Điều đó dường như là không thể, trừ khi bạn là một thiên tài.

T-shaped marketer
Nguồn ảnh: Buffer.

Trước tiên, ít nhất một đến hai năm đầu (nếu nỗ lực cao thì có thể trong 6 tháng), bạn nên tập trung vào một loại kỹ năng duy nhất. Và mau chóng trở thành chuyên gia hoặc có chuyên môn vững vàng về kỹ năng đó (tức là học từ dưới lên).

Ví dụ: Bạn thích Facebook Ads, bạn bắt đầu với nó thì trong một năm, bạn cần biết được mọi ngóc ngách, các vấn đề cần làm trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook.

Lý do đơn giản để giải thích điều này là bạn sẽ có được một nền tảng, năng lực tốt với kiến thức bạn học và kỹ năng bạn làm trong nhiều năm.

Đó là tiền đề để bạn học tiếp kỹ năng khác nhằm phát triển bản thân.

Hay chí ít, bạn không có duyên học được những kỹ năng khác thì bạn vẫn có thể tìm kiếm được một công việc ở mức lương khá với kỹ năng sẵn có.

Một lời khuyên là, kỹ năng bạn muốn học tiếp nên liên quan tới kỹ năng bạn đang có sẵn. Bởi điều đó sẽ giúp học được kỹ năng mới nhanh hơn.

3.5 Nhìn về tương lai của marketing và dịch chuyển bản thân

Cuộc sống luôn luôn phát triển và có nhiều sự thay đổi nhanh chóng đến khó lường.

Với marketing nói chung và digital marketing nói riêng cũng vậy.

Tương lai, với sự phát triển của martech, chúng ta cũng cần phải dịch chuyển tâm thế, mở rộng suy nghĩ. Cố gắng tiếp nhận nhiều luồng tư duy, kiến thức mới một cách tích cực nhất.

Thế giới đang quan tâm đến việc kết hợp marketing và technology (công nghệ) để giải quyết bài toán nâng cao hiệu suất.

Công nghệ ngày càng là yếu tố không thể tách rời marketing. Nhiều nền tảng dựa vào công nghệ được xây lên nhằm mục đích phục vụ các hoạt động đo lường, phân tích, quản lý dữ liệu, quảng cáo,… cho ngành marketing.

Năm 2022, Marketing Technology Landscape ghi nhận 9.932 giải pháp trên toàn thế giới.

Marketing Technology Landscape 2022
Marketing Technology Landscape.

Các ứng dụng martech hữu ích đang phát triển mạnh, mỗi cái đều có giá trị và mục đích riêng. Vấn đề đặt ra không chỉ là marketing hay technology, mà là marketing technology management (quản lý công nghệ tiếp thị).

Làm sao để sử dụng một số giải pháp nhất định mà vẫn đạt hiệu quả cao? Câu trả lời chính là ở việc chọn lọc giải pháp, kết hợp và quản lý.

Phía dưới là mô hình 6C.

Đây là kết quả nghiên cứu sau 7 năm của Scott Brinker để tổ chức các công nghệ tiếp thị thành mô hình gồm 6 chữ C. Nếu bạn quan tâm hơn về nó, hãy tìm hiểu thêm!

Mô hình 6C cho cấu trúc tổ chức của martech
Nguồn ảnh: Chiefmartec.com.

Nội dung được viết dựa theo trải nghiệm cá nhân, có thể đúng với tôi nhưng với bạn thì chưa chắc. Điều đó còn phụ thuộc vào tư duy và lối suy nghĩ của bạn.

Nếu hướng dẫn của tôi đã rõ ràng, bạn có sẵn sàng để bắt đầu học marketing?

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Execution tại Vingroup. Anh ấy có gần 10 năm kinh nghiệm, từng quản lý đội ngũ marketing hơn 60 nhân sự, yêu thích việc chia sẻ bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

44 bình luận về “Học Cách Học để Bắt Đầu với Marketing: Hướng Dẫn Từng Bước”

  1. Cảm ơn anh Quân rất nhiều, em cũng đang băn khoăn ko biết bắt đầu từ đâu thì đọc được bài viết của bạn. Đúng là không thể tham lam muốn học tốt mọi kỹ năng cùng một lúc được. anh Quân cho em hỏi một chút, nhà em đang kinh doanh quán ăn nhỏ, quán đã đi vào ổn định được 2 năm. Hiện nay em muốn xây kênh facebook và tiktok để khách hàng biết đến quán nhiều hơn và tăng trưởng doanh thu. Em đang tìm khoá học để bắt đầu học marketing, em nên tập trung vào kỹ năng facebook ads hay là content marketing vậy anh? Và anh Quân có thể gợi ý giúp em các trung tâm hoặc khoá học nào đào tạo thực chiến tốt ko anh? Cảm ơn anh rất nhiều. Chúc anh luôn mạnh khoẻ và thành công trong cuộc sống.

    Bình luận
    • Chào Nguyên,

      Nếu em bắt đầu học marketing thì có thể đọc thêm serie về digital marketing trên BetterGrowth (https://bettergrowth.org/digital-marketing). Sau khi tìm hiểu để có kiến thức nền tảng, em có thể học sâu hơn về kỹ năng em hứng thú.

      Về việc học Facebook Ads hay content marketing, anh không có câu trả lời cho em, lựa chọn nằm ở việc em muốn ưu tiên kỹ năng gì hơn. Hiện anh chưa biết trung tâm đào tạo nào uy tín nên chưa giới thiệu đến em được.

      Chúc em thành công!

      Bình luận
  2. Cho e hỏi 1 chút ạ??? E ko biết tiếng anh thì liệu e có thể học maketing được ko ạ???? Và mất khoảng bao lâu để thì kết thúc khoá học ạ

    Bình luận
    • Chào Đắc,

      Không có tiếng Anh em vẫn có thể học và làm marketing. Tuy nhiên, nếu em biết tiếng Anh thì sẽ dễ dàng tiếp cận các tài nguyên của nước ngoài hơn.

      Chúc em thành công!

      Bình luận
  3. Anh Quân mạnh về tư duy hệ thống quá, nếu mọi người khi bắt đầu học hay theo đuổi ngày marketing thấy được bức tranh toàn cảnh như này thì tốt quá. Anh viết nhiều bài tư duy hệ thống (mindset) nhiều hơn nhé. Cảm ơn anh vì chia sẻ kiến thức quá hữu ích.

    Bình luận
  4. Em chào anh, đầu tiên em xin cẩm ơn anh vì bài viết của anh rất hay và ý nghĩa, truyền đạt cảm hứng và hướng dẫn tư duy cho em rất nhiều. Và em có một câu hỏi cho anh là liệu em không theo chuyên ngành Marketing nhưng em rất thích marketing thì em nên bắt đầu học từ đâu để đạt được những kiến thức lẫn kỹ năng tốt nhất ạ. Em xin cảm ơn anh.

    Bình luận
    • Chào Thiện,

      Em có thể bắt đầu học kiến thức từ những nội dung như thế này trên BetterGrowth. Sau đó, dù sao em cũng cần phải bắt tay chọn một kỹ năng để trải nghiệm. Anh cũng không theo học ngành marketing nên em cũng có thể tự tin vào bản thân để thử sức nhé.

      Thân,

      Bình luận
  5. Trước hết xin được cảm ơn bài viết hết sức sâu sắc của anh, đây là một bài viết dù chưa gọi là tuyệt nhất nhưng nếu tương lai em phát triển đến một mức độ nào đó trong lãnh vực này, thì em tin chắc bài viết ngày hôm nay với em có thể coi như là vé vào cổng tương lai.

    Bình luận
    • Chào Tuấn,

      Cám ơn em đã ghé thăm blog của anh và để lại bình luận! Hi vọng bài viết hữu ích với em, chúc em tiến bước.

      Thân,

      Bình luận
    • Chào Hồng Dung,

      Bạn đọc kỹ nội dung bài viết và tham khảo các đường dẫn được liên kết đến. Nội dung bài đăng này chính là cách để bạn tư duy và bắt đầu học digital marketing.

      Thân,

      Bình luận
  6. cảm ơn bài viết của anh, em rất thích lĩnh vực marketing nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Đọc xong bài viết này em thấy cần tìm hiểu sâu hơn về marketing.

    Bình luận
    • Chào Si,

      Cám ơn em ghé thăm blog, hi vọng bài đăng này hữu ích với em. Hãy tìm thêm về marketing để nuôi dưỡng sở thích và đam mê của mình nhé!

      Thân,

      Bình luận
  7. Cảm ơn bạn rất nhiều. Bài viết rất có tâm và nội dung thực sự hữu ích. Mình cũng là dân ngành kỹ thuật nhưng sau 7 năm làm việc nhận ra rằng mình có lẽ hợp với marketing hơn. Mình đã học hỏi được một vài thứ vụn vặt trong marketing và cũng phần nào nhận ra 1 cách hệ thống bức tranh về MKT, nhưng đọc bài của bạn mới thấy thật dễ hình dung (mình chỉ nói dễ hình dung thôi chứ để hiểu được nó thì có lẽ mình cần 10 năm nữa. hi). Mình khá hào hứng với mảng content MKT, hi vọng bạn chia sẻ nhiều hơn nữa về mảng này.

    Bình luận
  8. Hi anh Quân!
    Em đang có dự định học về digital marketing, nhưng vì đây là lần đầu em tìm hiểu về lĩnh vực này, anh có thể cho em lời khuyên cụ thể em nên bắt đầu từ đâu được không ạ?
    Cảm ơn anh ạ!

    Bình luận
  9. Hiên tại e đang tìm hiểu về fb ads và học nó, trước đây e hoc ngành kỹ thuật, giờ e muốn qua mảng mkt , e có nên hoc văn băng 2 ngành mkt ko a ,cái hướng của e là về digital mkt

    Bình luận
  10. Chào anh, em đang bắt đầu học về content marketing. Em đã đọc qua bài content MKT của anh. Anh có thể chia sẻ cho em cụ thể hơn về cách học content marketing được không ạ? Em cám ơn anh nhiều.

    Bình luận
    • Hi Thanh,

      Trước khi học làm content marketing, em cần phải là một người tạo nội dung tốt. Đó có thể là bài đăng, hình ảnh, video, anything,… mà qua đó em truyền tải được thông điệp mong muốn đến khán giả mục tiêu và được họ đón nhận một cách tích cực. Bởi vậy, hãy bắt đầu từ công việc nhỏ nhất, tạo nội dung.

      Theo thời gian rèn luyện, sau khi tạo được những mẫu nội dung tốt một cách thành thạo thì em có thể học thêm về cách định hướng nội dung cho một kênh truyền thông, một chiến dịch,… và qua đó, mình xem xét direction đưa ra đã phù hợp hay chưa.

      Khi làm tốt mọi thứ, em sẽ dần định hình được tư duy cần thiết để tạo chiến lược content marketing. Các step triển khai content marketing anh đã nêu trong bài blog mà em đã đọc. Em nên đọc kỹ bài đăng đó vì nó là những gì cơ bản nhất, giúp góc nhìn của mình tốt hơn.

      Thân,

      Bình luận
  11. Bài biết hay và hữu ích quá, mình mới làm quen với MKT mấy ngày và coi đây là sở thích đích thực, hy vọng sẽ k quá muộn

    Bình luận
    • Chào Yến,

      Không có gì là quá muộn bạn nhé! Hi vọng bạn sẽ tìm được nhiều điều thú vị khi học tập và làm việc về marketing.

      Thân,

      Bình luận
  12. Chào a.Quân,

    Em cảm ơn anh rất nhiều về bài viết. Nó thật sự là cứu cánh của em khi từ là một người chuyên về kỹ thuật muốn bắt đầu với marketing.

    Hy vọng em sẽ học hỏi được nhiều từ những chia sẻ hữu ích của anh. 🙂

    Bình luận
    • Chào Lam,

      Cám ơn em đã theo dõi bài viết. Trong phạm vi hiểu biết, anh sẵn lòng chia sẻ với em những khó khăn gặp phải khi bắt đầu học và làm marketing. Tiếp tục theo dõi các bài viết khác nhé!

      Thân,

      Bình luận
  13. Cảm ơn anh Quân đã chia sẻ ạ! 😀
    Em thực sự chờ mong những bài viết tiếp theo từ anh ạ.
    Chúc anh ngày làm việc vui vẻ và .. mãi đẹp trai :”))))

    Bình luận