1Tổng Quan 2Content Marketing 3SEO 4Email Marketing 5Social Media Marketing 6Digital Advertising 7Tự Học Digital Marketing
Trang chủ / Digital Marketing / Social Media Marketing / Social Media Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

Social Media Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

Rõ ràng, tất cả chúng ta đều đang “lớn lên” cùng các phương tiện truyền thông xã hội (social media).

Bạn có mở điện thoại để kiểm tra Facebook Messenger hay lướt News Feed mỗi khi thức dậy?

Bạn có xem ít nhất một video trên Youtube trong tuần qua?

Hoặc từng dành thời gian để theo dõi các video thú vị trên ứng dụng Tiktok?

Đây là xu hướng phát triển nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng người dùng của các mạng xã hội còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng người sử dụng Internet.

Bạn từng biết rằng, trong 10 năm đầu kể từ khi xuất hiện, thế giới có khoảng 1,018 tỷ người sử dụng Internet.

Nhưng cũng trong 10 năm đầu kể từ khi ra đời, Facebook đã vượt qua mốc 1,23 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Nếu Facebook là một quốc gia, nó sẽ là quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Và đó chỉ là Facebook.

Nhiều phương tiện truyền thông xã hội nổi tiếng khác cũng có số lượng người dùng hoạt động vô cùng lớn.

Số lượng người dùng hoạt động các trang mạng xã hội nổi tiếng trên toàn thế giới tính đến tháng 10 năm 2018 (tính bằng triệu)
Số lượng người dùng hoạt động của các mạng xã hội nổi tiếng trên toàn thế giới tính đến 10/2018 (tính bằng triệu). Nguồn: Statista

Không chỉ sử dụng mạng xã hội một cách đơn thuần, chúng ta dần trở nên “nghiện”.

Thống kê của Statista năm 2017 cho thấy, mọi người trung bình dành 135 phút mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.

Với sự phổ biến không thể phủ nhận, social media rõ ràng là một cơ hội marketing đáng kinh ngạc.

Bởi vậy, tôi đã viết một hướng dẫn từng bước về social media marketing dành cho người mới bắt đầu.

Nếu bạn chưa sử dụng social media marketing, bạn sẽ phải tìm hiểu nó ngay bây giờ hoặc chạy xa hơn để thấy khách hàng.

1. Social media là gì?

Trước khi xem xét social media marketing là gì, chúng ta cần có những hiểu biết cơ bản về social media.

Thuật ngữ này được sử dụng rất mơ hồ, đến nỗi một số người thường đánh đồng và coi nó chỉ nhằm nói về các trang mạng xã hội (như Facebook, Linkedin, Twitter,…).

Nhiều người khác có thể cho rằng, blog không nằm trong danh mục social media. Bạn nghĩ vậy không?

Tất nhiên, mỗi người đều có quan điểm cá nhân của riêng mình về social media. Nhưng, tôi sẽ đi sâu hơn vào định nghĩa để giúp bạn có được sự hiểu biết rõ ràng và chính xác hơn.

Dưới đây là định nghĩa phổ biến mà Wikipedia đề cập:

Social media are interactive computer-mediated technologies that facilitate the creation and sharing of information, ideas, career interests and other forms of expression via virtual communities and networks.

Wikipedia EN.

Tạm dịch: Phương tiện truyền thông xã hội là các công nghệ tương tác qua máy tính tạo điều kiện cho việc tạo và chia sẻ thông tin, ý tưởng, sở thích nghề nghiệp và các hình thức biểu hiện khác thông qua cộng đồng và mạng ảo.

Khi đọc thêm tài nguyên của họ, tôi nhận thấy có một số đặc điểm quan trọng:

  • Social media là các ứng dụng được xây dựng dựa trên Internet và công nghệ Web 2.0
  • Người dùng tham gia social media bằng cách truy cập trang web hoặc ứng dụng thông qua máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh
  • Nội dung do người dùng tạo là tài nguyên để social media phát triển
  • Mọi người tương tác trực tuyến thông qua tài khoản người dùng (mặc dù có thể là người dùng ẩn danh)
  • Social media hoạt động dựa trên cộng đồng

Nói chung là vậy nhưng bạn có cảm thấy các thuật ngữ nhàm chán khiến định nghĩa dần trở nên phức tạp với người mới bắt đầu?

Social media là một từ ghép nên chúng ta sẽ xem xét từng từ riêng lẻ để định nghĩa nó đơn giản và dễ hiểu hơn.

  • Social (xã hội): Đề cập đến việc mọi người trong một cộng đồng tương tác với người khác bằng cách chia sẻ thông tin với họ và nhận thông tin từ họ.
  • Media (phương tiện truyền thông): Đề cập đến việc sử dụng các hình thức truyền thông hiện đại như internet và các hình thức truyền thông truyền thống hơn như tivi, đài phát thanh, bảng quảng cáo, báo chí,…

Tuy nhiên, để tương tác qua lại như một cộng đồng, chúng ta chỉ có thể dựa vào internet (trong khi các hình thức truyền thông khác như tivi, radio hay báo chí là tương tác một chiều).

Bởi vậy, social media theo cách tôi hiểu đó là:

Phương tiện truyền thông xã hội (social media) là các công cụ truyền thông dựa trên internet cho phép mọi người chia sẻ nội dung trực tuyến thông qua tài khoản người dùng và tương tác với nhau như một cộng đồng.

Do cùng hoạt động dựa trên Internet và mọi người tương tác với nhau thông qua tài khoản cá nhân, bạn có tự thắc mắc liệu email có nằm trong danh mục social media hay không?

Nếu có, tôi cho rằng đó là hoài nghi chính đáng, bởi nhiều người cũng nghĩ như bạn. Tuy nhiên, tôi sẽ giúp bạn có góc nhìn đúng đắn hơn thông qua bài đăng của Anthony J. Bradley trên blog của Gartner — công ty tư vấn và nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Về cơ bản, có hai điểm khác biệt quan trọng giữa email và social media:

Thứ nhất, email là một cơ chế phân phối (distribution mechanism) còn social media là một cơ chế tập thể (collective mechanism).

Thứ hai, truyền thông đại chúng khác với cộng tác đại chúng. Email là một kênh tuyệt vời để liên lạc đại chúng nhưng nó không giúp xúc tác cho tập thể hợp tác (đề cập đến cộng tác đại chúng). Social media mang lại sự hợp tác cho công chúng, đó là lý do tại sao cộng tác đại chúng là giá trị gia tăng chính của social media.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem bên trong social media bao gồm những gì. Tôi đoán bạn sẽ cần đấu tranh tư tưởng để tiếp nhận thêm một vài điều thú vị.

2. Social media bao gồm những gì?

Xem lại bài đăng trước đây của tôi về tổng quan digital marketing, bạn sẽ thấy phần bình luận của nhiều độc giả.

Hoặc truy cập vào trang sản phẩm trên Tiki, bạn vô tình bắt gặp một đánh giá và xếp hạng của người dùng trông như hình ảnh phía dưới.

Social Media - Reviews & Ratings

Vâng, có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng các trang web này đang sử dụng tính năng social media — tương tác bằng tài khoản cá nhân thông qua internet.

Và bạn tự hỏi rằng: Vậy làm thế nào để biết một trang web có phải là (hoặc có tích hợp) social media hay không?

Chỉ cần theo dõi tiếp và tìm kiếm ít nhất một trong các tính năng social media được tôi đề cập.

2.1 Dấu hiệu nhận biết social media

Dưới đây là một số tính năng social media phổ biến mà bạn có thể xem xét:

  • Tài khoản người dùng cá nhân: Cho phép bạn tạo một tài khoản cá nhân là tính năng cơ bản nhất. Nó là tiền đề cho một số loại tương tác dựa trên người dùng — tương tác xã hội (social interaction).
  • Trang cá nhân: Mỗi người dùng trên social media thường sẽ có một trang cá nhân, bao gồm các thông tin của riêng họ như ảnh đại diện, giới tính, ngày sinh, địa chỉ email, số điện thoại,…
  • Nguồn cấp tin tức (news feeds): Là nơi hiển thị các nội dung được cập nhật trong thời gian thực từ những người bạn muốn nhận thông tin.
  • Thông báo và cá nhân hóa: Các trang web hoặc ứng dụng social media cho phép người dùng tùy chỉnh hồ sơ cá nhân, cài đặt tài khoản, tùy chọn loại thông báo muốn nhận hoặc những gì muốn hiện trên nguồn cấp tin tức,…
  • Đăng tải nội dung: Tất nhiên rồi! Nội dung do người dùng tạo là ‘nguồn sống’ cho social media. Đó có thể là tin nhắn văn bản, bài đăng, hình ảnh, video hoặc bất cứ thứ gì khác.
  • Nút bày tỏ cảm xúc và phần bình luận: Ở ngoài đời thực, chúng ta luôn có cảm xúc nhất định với những lời nói hay hành động của người khác. Bởi vậy dễ hiểu, cách mà chúng ta tương tác lại với người khác trên social media là thông qua các nút trông như có thể bày tỏ cảm xúc và để lại bình luận nhằm chia sẻ suy nghĩ của mình.
  • Nút chia sẻ: Như tôi đã đề cập trong Bước 1, social media mang lại sự hợp tác cho công chúng. Nút chia sẻ giúp cho những người khác có thể đưa nội dung của bạn tiếp cận đến nhiều người hơn.
  • Bạn bè, người theo dõi, hashtag, nhóm, vòng kết nối,…: Các tính năng này tạo điều kiện cho mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau thông qua tài khoản người dùng.
  • Đánh giá, xếp hạng, bỏ phiếu: Nhiều trang web và ứng dụng sử dụng các tính năng này nhằm dựa vào nỗ lực chung của cộng đồng để xem xét, đánh giá và bỏ phiếu cho thông tin mà họ biết hoặc đã sử dụng.

Về cơ bản, một trang web hay ứng dụng được coi là social media thì nó phải cho phép bạn tương tác hai chiều với người khác thông qua tài khoản người dùng cá nhân.

2.2 Phân loại social media

Sự đa dạng của các dịch vụ social media độc lập (stand-alone) và tích hợp (built-in) khiến cho việc xác định đâu là phương tiện truyền thông xã hội trở nên khó khăn.

Mặc dù, Wikipedia đã đề cập rằng có 13 loại social media và liên kết hình ảnh mô tả về tầm quan trọng của social media cho các chức năng khác nhau của công ty.

Tầm quan trọng của mỗi loại social media cho các chức năng khác nhau của công ty
Tầm quan trọng của social media cho các chức năng khác nhau của công ty. Tác giả: Aichner, T. and Jacob, F.

Nhưng một cái nhìn gần gũi hơn, Hootsuite đưa chúng ta đến với danh sách 10 loại social media và cách mỗi loại có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của bạn.

Danh sách này bao gồm:

  • Mạng xã hội (social networks): Chúng ta sử dụng các mạng này để kết nối với mọi người (và thương hiệu) trực tuyến.

Ví dụ: FacebookTwitterLinkedIn

  • Mạng chia sẻ phương tiện truyền thông (media sharing networks): Mọi người sử dụng các mạng này để tìm và chia sẻ ảnh, video, video trực tiếp và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác.

Ví dụ: InstagramSnapchatYouTube, TikTok

  • Diễn đàn thảo luận (discussion forums): Mọi người sử dụng các diễn đàn này để tìm, thảo luận và chia sẻ tin tức, thông tin và ý kiến.

Ví dụ: redditQuoraDigg

  • Mạng đánh dấu và quản lý nội dung (bookmarking and content curation networks): Mọi người sử dụng các mạng này để khám phá, lưu, chia sẻ và thảo luận về nội dung và phương tiện mới và xu hướng.

Ví dụ: PinterestFlipboard

  • Mạng đánh giá của người tiêu dùng (consumer review networks): Mọi người sử dụng các mạng này để tìm, xem xét và chia sẻ thông tin về thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ, cũng như nhà hàng, điểm đến du lịch,…

Ví dụ: YelpTripAdvisor

  • Mạng blog và xuất bản nội dung (blogging and publishing networks): Mọi người sử dụng các mạng này để xuất bản, khám phá và bình luận về nội dung trực tuyến.

Ví dụ: WordPressTumblrMedium

  • Mạng xã hội mua sắm (social shopping networks): Mọi người sử dụng các mạng này để phát hiện xu hướng, theo dõi các thương hiệu, chia sẻ những phát hiện tuyệt vời và mua hàng.

Ví dụ: Etsy, Fancy

  • Mạng dựa trên sở thích (interest-based networks): Mọi người sử dụng các mạng này để kết nối với những người khác có cùng một sự quan tâm hoặc sở thích chung.

Ví dụ: GoodreadsHouzzLast.fm

  • Mạng kinh tế chia sẻ (sharing economy networks): Mọi người sử dụng các mạng này để quảng cáo, tìm, chia sẻ, mua, bán và trao đổi các sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ví dụ: AirbnbGrabTaskrabbit

  • Mạng xã hội ẩn danh (anonymous social networks): Mọi người sử dụng các mạng này để buôn chuyện, trút giận và đôi khi bắt nạt.

Ví dụ: WhisperAsk.fm

Social media đang thay đổi nhanh chóng đến không ngờ. Các loại social media được tôi liệt kê phía trên chỉ là phổ biến.

Để mô tả sự đa dạng của các loại social media, Brian Solis đã tạo ra một đồ họa tuyệt vời có tên là The Conversation Prism. Đây là một nghiên cứu và nó luôn có sự thay đổi qua mỗi lần công bố, phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2008.

Tổng quan là vậy nhưng trước khi bắt đầu cải thiện sự hiện diện của mình trên social media, bạn sẽ cần xem xét những gì là quan trọng.

3. Những yếu tố quan trọng trên social media

Bạn có phải là một người yêu thích sự tò mò?

Đừng vội kéo xuống dưới, hãy thử đoán xem những yếu tố nào sẽ được tôi nhắc tới?

Bằng cách này, nó thường đem lại cảm giác thú vị khi sau cùng, bạn biết mình đáp đúng (miễn là bạn đã không đoán mò mà trúng).

Trong trường hợp bạn chưa biết câu trả lời thì đó có thể là động lực để bạn tiếp tục theo dõi.

3.1 Nội dung

Mặc dù trên social media, các nhà tiếp thị sử dụng nội dung để truyền tải thông điệp của họ nhưng nội dung trên social media không nhất thiết phải là nội dung mang tính tiếp thị.

Nó đơn giản là bất cứ điều gì mọi người đang đăng. Ví dụ như cập nhật trạng thái của Facebook, hình ảnh trên Instagram, video trên Youtube, câu hỏi trên Quora, bản nhạc trên SoundCloud hay sản phẩm trên ProductHunt,…

Chúng ta thấy có rất nhiều dạng nội dung khác nhau trên social media. Điều đó có nghĩa là bạn cần sử dụng dạng nội dung sao cho phù hợp với từng nền tảng để nó có thể phát huy hiệu quả.

Nội dung là quan trọng nhưng tôi sắp nói đến thứ quan trọng hơn — ngữ cảnh.

3.2 Ngữ cảnh

Như tôi đã nói, rõ ràng loại social media ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn nội dung của bạn.

Ví dụ: Tôi đặt những nội dung dài nhiều ngàn từ trên blog và nó đang hoạt động tốt. Nhưng liệu ai sẽ muốn đọc nếu tôi đưa nó vào khung cập nhật trạng thái của Facebook?

Không chỉ dừng lại ở dạng nội dung, bạn cũng cần hiểu rằng, người dùng trên mỗi nền tảng social media cũng có phong cách sử dụng khác nhau. Họ không dùng Facebook và Linkedin với cùng một mục đích.

Dù bạn tin hay không thì Gary Vaynerchuk có một câu nói nổi tiếng rằng: “Content is king, but context is God.” (Nội dung là vua, nhưng ngữ cảnh là Chúa).

Hãy xem xét nền tảng và người dùng, nội dung tuyệt vời được xác định dựa trên ngữ cảnh.

3.3 Tương tác

Tham gia social media mà không tương tác chẳng khác nào bạn bị bệnh tự kỷ bên ngoài cuộc sống.

Tương tác thông qua social media là cách mọi người kết nối với nhau. Đó có thể là một lượt thích, một bình luận, một đánh giá,…

Mặc dù chia sẻ cũng là một loại tương tác nhưng tôi muốn dành riêng một mục để nói thêm bởi nó thực sự quan trọng đối với nội dung của bạn trên social media.

3.4 Chia sẻ

Social media mang lại sự hợp tác cho công chúng, và chia sẻ là một phần của điều đó.

Chia sẻ giúp cho nội dung được lan truyền, nó như ngòi để nội dung tiếp cận với nhiều khán giả hơn.

Chia sẻ giúp cho nội dung của bạn được lan truyền

Khi mọi người nhấp vào nút chia sẻ, điều đó giống như họ đang chủ động nói với thế giới rằng: nội dung của bạn rất tuyệt vời.

Càng nhiều lượt chia sẻ trong thời gian ngắn, nội dung của bạn càng sớm có cơ hội trở nên viral.

3.5 Hashtag

Hashtag được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nó là một trong những tính năng giúp Facebook, Linkedin, Instagram, Twitter, Tiktok,… phát triển mạnh mẽ.

Hashtag giúp mọi người dễ dàng tìm thấy thông tin về một chủ đề hoặc nội dung cụ thể.

Người dùng tạo và sử dụng hashtag bằng cách đặt dấu thăng (#) trước một từ hoặc cụm từ (không đặt trong nội dung tin nhắn vì nó không hoạt động). Hashtag có thể bao gồm các chữ cái, chữ số và dấu gạch dưới.

Đó là những gì quan trọng mà bạn cần nắm bắt khi bắt đầu tham gia vào phương tiện truyền thông xã hội. Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu về cách mọi người thực hiện marketing thông qua social media.

4. Social media marketing là gì?

Ngày nay, là một nhà tiếp thị trong thời đại mới, tâm trí chúng ta hướng về phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng trước khi bắt tay vào làm social media marketing, bạn cần hiểu rõ về định nghĩa của nó, đó là gì?

Hãy cùng xem xét một số định nghĩa phổ biến về social media marketing mà tôi tìm thấy:

Social media marketing is the use of social media platforms and websites to promote a product or service.

Wikipedia EN.

Tạm dịch: Tiếp thị truyền thông xã hội là việc sử dụng các nền tảng và trang web truyền thông xã hội để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.

Social media marketing (SMM) is the use of social media websites and social networks to market a company’s products and services. Social media marketing provides companies with a way to reach new customers and engage with existing customers.

— Investopedia.

Tạm dịch: Tiếp thị truyền thông xã hội là việc sử dụng các trang web truyền thông xã hội và mạng xã hội để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của công ty. Tiếp thị truyền thông xã hội cung cấp cho các công ty một cách để tiếp cận khách hàng mới và thu hút khách hàng hiện tại.

Nhìn chung, chúng còn khá đơn giản và đem đến chút cảm giác mơ hồ, bạn có nghĩ?

Tôi muốn giới thiệu đến bạn một định nghĩa mang tính thiết thực hơn từ Neil Patel:

Social media marketing is the process of creating content that you have tailored to the context of each individual social media platform in order to drive user engagement and sharing.

Neil Patel.

Tạm dịch: Tiếp thị truyền thông xã hội là quá trình tạo nội dung mà bạn đã điều chỉnh theo ngữ cảnh của từng nền tảng phương tiện truyền thông xã hội riêng lẻ để thúc đẩy sự tương tác và chia sẻ của người dùng.

Đúng vậy, nội dung thúc đẩy mọi người tương tác và chia sẻ giúp doanh nghiệp của bạn thành công trên social media. Nếu không, bạn sẽ nói chuyện với ai?

Mặc dù nội dung là tâm điểm của content marketing và social media marketing, tuy nhiên hai loại hình tiếp thị này là khác nhau.

Để xóa bỏ sự nhầm lẫn, trong một bài đăng từ tháng 2 năm 2012 trên Content Marketing Institute, Toby Murdock (CEO Kapost) đã xác định sự khác biệt dựa trên các yếu tố:

  • Trọng tâm của hoạt động tiếp thị: Khi sản xuất nội dung xã hội, bạn đặt nó bên trong phương tiện truyền thông xã hội, đó là trọng tâm của hoạt động social media marketing. Ngược lại, trọng tâm của hoạt động content marketing thường là một trang web thương hiệu. Hoạt động tiếp thị này tăng giá trị cho khách hàng tiềm năng bằng cách tạo và phân phối nội dung (đôi khi thông qua social media).
  • Các loại nội dung: Đối với social media marketing, nội dung được xây dựng để phù hợp với ngữ cảnh của nền tảng xã hội đã chọn. Ngược lại, với content marketing, bạn có thể trình bày bất cứ loại nội dung nào mà bạn muốn trên trang web của bạn.
  • Mục tiêu: Social media marketing thường có xu hướng tập trung vào hai mục tiêu chính là tăng nhận thức về thương hiệu — tạo ra hoạt động và thảo luận xung quanh thương hiệu; và nâng cao mối quan hệ với khách hàng (giữ chân khách hàng, tăng sự hài lòng & trung thành). Ngược lại, với content marketing, mục tiêu tập trung nhiều hơn vào việc tạo nhu cầu. Các thương hiệu có thể phát triển mối quan hệ với khách hàng tiềm năng và nuôi dưỡng họ theo hướng chuyển đổi.

Tôi không cho rằng tất cả mọi người đều hiểu những sự khác biệt nêu trên. Bởi rõ ràng, content marketing và social media marketing có rất nhiều sự chồng chéo.

Là một nhà tiếp thị kỹ thuật số, đôi khi bạn sẽ gặp phải sự chồng chéo đó trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, mỗi loại marketing đều có cách hoạt động riêng của nó. Hiểu đúng từng loại giúp bạn đi vào thực hành dễ dàng và hiệu quả hơn.

Content Marketer & Social Media Marketer
Nguồn ảnh: SproutSocial

5. Lợi ích của social media marketing là gì?

Nếu bạn thử tìm kiếm, có hàng tá nội dung đã nói về lợi ích của social media marketing, nó không mới.

Tuy nhiên, trong một hướng dẫn hoàn chỉnh dành cho người mới bắt đầu học social media marketing, tôi cần đề cập lại chúng.

Mọi người sử dụng một thứ bởi nó mang lại giá trị cho họ. Tiếp thị truyền thông xã hội cũng vậy, nó có thể giúp chúng ta với một số lợi ích chính:

  • Nâng cao nhận thức về thương hiệu: Bằng cách chia sẻ tin tức, nội dung và thông tin sản phẩm một cách minh bạch, nhất quán trên các phương tiện truyền thông xã hội phù hợp, bạn có thể cải thiện nhận thức về thương hiệu. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tăng lòng trung thành với những người đã thích thương hiệu của bạn.

Trên một số nền tảng cho phép, bạn cũng nên sử dụng các hashtags tốt nhất và khuyến khích người theo dõi chia sẻ nội dung của bạn và gắn thẻ bạn bè của họ.

Hashtag có thể giúp nội dung của bạn tăng phạm vi tiếp cận rất nhiều, đó là cách tuyệt vời để những người chưa biết đến bạn nhận thức về thương hiệu của bạn.

Khi bạn có chiến lược và kế hoạch cho sự hiện diện của mình trên social media, bạn sẽ biết được chính xác ngữ cảnh phù hợp và thời điểm cần đăng nội dung để làm mọi thứ hiệu quả.

  • Kết nối với khán giả của bạn: Phương tiện truyền thông xã hội là tương tác hai chiều, nó có thể giúp bạn kết nối với khách hàng dù họ ở bất kỳ đâu.

Ở cấp độ cơ bản, đó có thể là lượt thích, bình luận, theo dõi, nhận xét,…

Ở cấp độ sâu hơn, thông qua những nội dung bạn chia sẻ, họ cảm thấy được gắn kết với thương hiệu và sản phẩm của bạn.

Ví dụ: Thông qua clip tri ân, tổng kết đầy ý nghĩa cho năm 2018 mang tên “Cảm ơn bạn đã đồng hành”, như một lời cám ơn chân thành, VinID đã nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng mạng cũng như khách hàng.

Phương tiện truyền thông xã hội là tương tác hai chiều, nó có thể giúp bạn kết nối với khách hàng ở bất kỳ đâu.
Nguồn: VinID
  • Tăng lưu lượng truy cập trang web: Bằng cách đặt đường link trang web của bạn trong hồ sơ cá nhân và bài đăng trên social media, điều đó thể giúp bạn nhận thêm lượt truy cập trang web từ những người quan tâm.

Không chỉ giúp bạn tăng lưu lượng truy cập trang web, theo một cách nào đó, social media còn tác động tích cực đến SEO.

  • Thúc đẩy bán hàng: Thông qua việc chia sẻ thông tin, sử dụng hình ảnh, video và quảng cáo, social media thực sự có thể khiến mọi người hào hứng với các sản phẩm của bạn. Khi bạn làm tốt điều này, bạn sẽ thấy doanh số tăng.
  • Thể hiện văn hóa công ty của bạn để giúp tuyển dụng: Đó là khi doanh nghiệp tận dụng social media để thu hút nhân tài thông qua những câu chuyện thú vị về công ty của mình.

Ví dụ: VNG là một trong số ít doanh nghiệp làm tốt điều này. Họ có một trang Facebook tên là Life at VNG, nơi mà mọi thông tin họ đăng tải chỉ nhằm truyền đi một thông điệp tuyệt vời:

“Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là tạo ra một ngôi nhà cho những người có cùng giá trị, những người muốn làm việc ở một nơi mà văn hóa khởi nghiệp được trân trọng, nơi những xu hướng mới được nắm bắt và chia sẻ, nơi những sản phẩm tuyệt vời được tự hào, nơi những tài năng thực sự được đánh giá cao và nơi các chuyên viên máy tính kết nối tự nhiên. Tham gia với chúng tôi nếu bạn nghĩ mình muốn tìm một nơi như vậy.”

Social Media cho phép VNG thể hiện văn hóa công ty của bạn để giúp tuyển dụng.
Nguồn: Life at VNG

6. Hướng dẫn thực hành marketing thông qua social media

Tôi biết ngoài kia có hàng triệu nội dung nói về chủ đề này, hướng dẫn làm social media marketing.

Nhưng những gì bạn thực hiện hàng ngày có phải đại loại là:

  • Lập kế hoạch nội dung social media
  • Viết nội dung cho fanpage
  • Tương tác với người dùng bình luận hoặc nhắn tin fanpage
  • Đăng ảnh lên Instagram
  • Seeding group Facebook và diễn đàn
  • Chạy quảng cáo Facebook, Instagram, Zalo

Vâng, danh sách này rất quen thuộc và tất cả mọi người đều làm như vậy.

Tuy nhiên, tại sao một số doanh nghiệp đạt được thành công, một số khác lại không?

Bởi vì hầu hết chúng ta chỉ đang hiện diện trên social media chứ không thực sự làm marketing thông qua nó.

Cho dù bạn đang muốn bắt đầu các chiến dịch tiếp thị truyền thông xã hội hay làm việc hàng ngày với nỗ lực tăng nhận diện thương hiệu thì bạn đều cần phải có một chiến lược phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Nó thường đi qua một vài bước cơ bản mà tôi đề cập ngay phía dưới.

6.1 Đặt mục tiêu tiếp thị truyền thông xã hội

Nếu không có mục tiêu, bạn sẽ không biết được rằng điều bạn đang làm có ý nghĩa và đem lại hiệu quả hay không.

Mỗi công ty sẽ có mục tiêu tiếp thị truyền thông xã hội khác nhau dựa vào ngành kinh doanh, chiến lược phát triển, thời điểm, nền tảng social media,…

Các mục tiêu hàng đầu mà social media marketers thường hướng tới là:

  • Tăng nhận thức về thương hiệu
  • Tăng sự tham gia của cộng đồng và gắn kết với họ
  • Tăng số lượt nhấp vào trang web thương hiệu

Cho dù mục tiêu lớn là gì thì việc đặt ra các mốc hoặc số liệu cụ thể sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi được tiến độ hoàn thành mục tiêu.

Khi đặt mục tiêu tiếp thị truyền thông xã hội, bạn cũng nên dựa trên cách đặt mục tiêu marketing trong kế hoạch tổng thể, đó là sử dụng nguyên tắc SMART quen thuộc.

  • Specific (cụ thể, dễ hiểu)
  • Measurable (đo lường được)
  • Achievable (có thể đạt được)
  • Relevant (thực tế / liên quan / thích hợp)
  • Time-bound (giới hạn thời gian)

Ví dụ: Mục tiêu của tôi là tăng số người theo dõi trang Facebook cá nhân (của tôi) từ 1500 lên 2000 trong vòng 90 ngày.

Hãy xem xét sự tương quan với tiêu chí SMART nêu trên:

  • S: Nói về những người theo dõi trang Facebook cá nhân của tôi.
  • M: Số liệu xác định thành công là 500 người theo dõi.
  • A: Dựa vào dữ liệu quá khứ như lượng người theo dõi mới các tháng gần đây cũng như các sự kiện giúp gia tăng người theo dõi mới nhanh chóng, tôi cho rằng mục tiêu này là có thể đạt được.
  • R: Mục tiêu tôi đưa ra liên quan đến sự phát triển thương hiệu cá nhân. Khi lượng người theo dõi tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể là những nhân tố giúp các nội dung tôi chia sẻ được lan truyền rộng hơn.
  • T: Thời hạn hoàn thành mục tiêu là trong 90 ngày (kể từ ngày bắt đầu đặt mục tiêu).

6.2 Hiểu đối tượng của bạn

Trên phương tiện truyền thông xã hội, hiểu biết về đối tượng là yếu tố quan trọng giúp bạn xác định thị trường mục tiêu.

Bạn càng hiểu rõ khách hàng của mình, bạn càng có khả năng kết nối mạnh mẽ với họ. Điều đó cũng giúp bạn được trang bị tốt hơn để truyền tải thông điệp có ý nghĩa đến mọi người.

Ngay cả khi bạn đã chia sẻ rất nhiều nội dung có giá trị. Nhưng nếu không có sự tương tác từ đối tượng mục tiêu, các hoạt động tiếp thị trên social media dường như là vô nghĩa.

Bởi vậy, bạn cần xác định và hiểu biết rõ ràng về đối tượng mục tiêu của bạn.

Hiểu đối tượng mục tiêu của bạn trên social media
Hiểu đối tượng mục tiêu giúp bạn truyền tải thông điệp đến đúng người, đúng thời điểm. Nguồn ảnh: SproutSocial

Nhằm giúp cho các nhà tiếp thị dễ dàng tìm hiểu về đối tượng (nhân khẩu học, sở thích, lối sống), một số nền tảng truyền thông xã hội đã phát hành trang thông tin chi tiết về người dùng. Ví dụ: Facebook Audience Insights.

Mặc dù các thông tin cơ bản cần biết về đối tượng là phổ biến, nhưng có thể bạn sẽ gặp ít nhiều khó khăn để bắt đầu với góc tiếp cận từ cá nhân.

Hãy đơn giản hóa nó bằng cách sử dụng 5W 1H (năm câu hỏi bắt đầu bằng chữ W và một câu hỏi bắt đầu bằng chữ H):

  • Who are they? (Họ là ai?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến nhân khẩu học của đối tượng.

Ví dụ: chức danh công việc, tuổi, giới tính, tiền lương, địa điểm.

  • What are they interested in that you can provide? (Họ quan tâm đến những gì bạn có thể cung cấp?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến nội dung mà bạn cung cấp cho đối tượng.

Ví dụ: nội dung giáo dục, sản phẩm mới, giải trí, case studies.

  • Where do they usually hang out online? (Họ thường đi chơi ở đâu?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến nền tảng social media mà đối tượng sử dụng.

Ví dụ: Facebook, Instagram, Linkedin, Tiktok, Youtube, Zalo.

  • When do they look for the type of content you can provide? (Khi nào họ tìm kiếm loại nội dung bạn có thể cung cấp?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến thời gian mà đối tượng cần nội dung bạn cung cấp.

Ví dụ: cuối tuần, giờ nghỉ giải lao buổi trưa, đầu giờ làm việc buổi sáng, buổi tối trước khi đi ngủ.

  • Why do they consume the content? (Tại sao họ tiêu thụ nội dung?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến lý do mà đối tượng muốn tiếp nhận nội dung của bạn.

Ví dụ: để có kiến thức tốt hơn, để khỏe mạnh hơn, để cập nhật tin tức mới.

  • How do they consume the content? (Làm thế nào để họ tiêu thụ nội dung?): Câu hỏi này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các thông tin liên quan đến cách đối tượng của bạn trải nghiệm để tiếp nhận nội dung.

Ví dụ: đọc blog, đọc dòng trạng thái trên News Feed, xem video.

6.3 Chọn nền tảng social media phù hợp

Sau khi đặt mục tiêu tiếp thị và xác định đối tượng, bước tiếp theo của chiến lược này là lựa chọn nền tảng social media phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Thế giới phương tiện truyền thông xã hội có quá nhiều nền tảng, vì thời gian là ngắn và nguồn lực bị hạn chế, bạn không thể thực hiện marketing trên tất cả chúng.

Tuy nhiên hàng ngày, chúng ta không chỉ sử dụng một nền tảng social media duy nhất; và khách hàng của chúng ta cũng vậy. Hãy xem xét họ hoạt động trên các nền tảng phổ biến nào và bắt đầu tham gia để kết nối với họ.

Bạn cũng nên biết rằng, mỗi nền tảng xã hội đều có cách hoạt động và thuật toán khác nhau. Chúng thường được người dùng sử dụng cho các mục đích riêng biệt.

Ví dụ: Linkedin phù hợp với các tương tác B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), trong khi Facebook hay Instagram phù hợp với các tương tác B2C (doanh nghiệp với khách hàng).

6.4 Tạo và chia sẻ nội dung có giá trị

Chia sẻ nội dung có giá trị trên social media nhằm cải thiện nỗ lực tiếp thị, đó là việc hướng đến tạo niềm tin, gia tăng sự tương tác và xây dựng cộng đồng.

Một sai lầm phổ biến mà mọi người đang mắc phải đó là đăng tải nhiều nội dung không liên quan đến ngành hoặc doanh nghiệp của họ.

Các nội dung được chia sẻ cần liên quan đến doanh nghiệp của bạn hoặc nội dung liên quan đến lợi ích chung của khán giả. Tránh đăng tải những nội dung thực sự không liên quan.

Ví dụ: Nếu bạn là nhà bán lẻ mỹ phẩm, bạn có thể đăng các nội dung về xu hướng làm đẹp, hướng dẫn trang điểm,… bên cạnh thông tin liên quan đến sản phẩm bạn bán hoặc doanh nghiệp của bạn. Người ta có thể thích một video về thú cưng trên trang nhưng họ sẽ chẳng nhớ gì về thương hiệu của bạn, đó là một nội dung vô nghĩa.

Để làm dòng thời gian trên trang truyền thông xã hội trở nên cuốn hút, bạn không nên chỉ đăng tải các nội dung về sản phẩm, giá cả hay khuyến mại đầy nhàm chán.

Những nội dung về phản hồi của khách hàng, tuyển dụng, mẹo và thủ thuật, truyện cười, minigame,… có thể sẽ giúp bạn gắn kết mật thiết hơn với khách hàng.

Nội dung tuyệt vời cần được tiếp cận đối tượng vào đúng thời điểm, bởi vậy bạn cần nắm bắt được thời gian tốt nhất để đăng trên các nền tảng social media.

Xuất hiện trên social media, bạn cần có một luồng thông tin thể hiện tính nhất quán, điều đó giúp tăng giá trị hữu hình cho doanh nghiệp của bạn — nhận thức về thương hiệu.

Với những người quan tâm đến nội dung bạn đăng tải, bạn cần phải tham gia tương tác lại với họ để tăng cường sự gắn kết giữa thương hiệu và đối tượng.

Bạn cũng nên lưu ý rằng, đăng nội dung quá thường xuyên trên social media sẽ khiến cho nội dung của bạn không hoạt động tốt.

YouTube video

Khi tạo nội dung trên một số nền tảng có tính năng hashtag, bạn nên tìm các hashtag tốt nhất để sử dụng, nó góp phần tăng phạm vi tiếp cận của bạn rất nhiều.

Tuy nhiên, hashtag chỉ hoạt động tốt khi nó được nhiều người cùng sử dụng. Bạn không nên dùng các hashtag cá nhân hóa theo cách của bạn, sẽ không ai có thể nhìn thấy bạn.

6.5 Đo lường

Mặc dù 44% doanh nghiệp không thể đo lường ROI trên social media nhưng đo lường luôn quan trọng bởi đó là cách giúp bạn xác định được những gì đang hoạt động và những gì không.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, bạn nên biết rằng đo lường chỉ hiệu quả nếu bạn biết phải đo dữ liệu gì và tại sao. Thông tin thu thập không cần thiết sẽ khiến hoạt động phân tích và đánh giá trở nên vô nghĩa.

Đo lường dữ liệu hữu ích dẫn đến các quyết định liên quan đến cải thiện chiến lược, hành động và phân bổ ngân sách hiệu quả hơn.

Hãy dành thời gian để hiểu sâu hơn về các công cụ dùng để đo lường, bởi nó sẽ giúp bạn dễ dàng thấy được những số liệu có ý nghĩa về tiếp thị truyền thông xã hội của bạn.

7. Các nền tảng social media phổ biến để marketing tại Việt Nam

Có vô số nền tảng social media được mọi người sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, xét về mức độ phổ biến để doanh nghiệp có thể tận dụng nhằm thực hiện các hoạt động marketing, tôi đề xuất 6 nền tảng bao gồm Facebook, Youtube, Linkedin, Instagram, Zalo và Tiktok.

Tìm hiểu thêm về mỗi nền tảng và tham gia để tiếp cận khách hàng tiềm năng của bạn.

7.1 Facebook

Facebook là trang web social media lớn nhất thế giới với hơn 2,32 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Nền tảng này có hơn 65 triệu doanh nghiệp sử dụng Facebook Pageshơn 6 triệu nhà quảng cáo (advertisers) tích cực quảng bá doanh nghiệp của họ.

Tại Việt Nam, số lượng người hoạt động hàng tháng ước tính khoảng 50- 60 triệu. Con số này được ước lượng dựa trên vị trí quảng cáo, các tiêu chí nhắm mục tiêu mà bạn đã chọn, dữ liệu về vị trí, các thông tin về hành vi và nhân khẩu học của người dùng Facebook.

Facebook Audience Việt Nam T2-2019

Facebook chứa rất nhiều không gian đem đến sự tự do để bạn có thể xuất bản nội dung dễ dàng. Hầu hết tất cả các định dạng nội dung đều hoạt động tốt trên Facebook từ bài viết văn bản, hình ảnh, video đến video trực tiếp và Stories.

Sử dụng tích hợp càng nhiều định dạng nội dung khác nhau, càng làm khuấy động tâm trí khán giả, khiến họ ở lại lâu hơn với bạn.

Mặc dù thuật toán của Facebook ngày càng ưu tiên cho các tương tác ý nghĩa giữa những người từ gia đình và bạn bè. Nó đã từng gây lên nhiều nỗi lo lắng từ các thương hiệu, doanh nghiệp và người quản lý Facebook Page.

Tuy nhiên, các bản cập nhật của thuật toán Facebook dường như đều mang đến một tín hiệu tốt cho cả người dùng và thương hiệu.

Điều đó có nghĩa là, bạn cần tạo ra nhiều nội dung giá trị để thúc đẩy người dùng thực hiện hành động tương tác và chia sẻ. Khi họ càng chia sẻ, gia đình và bạn bè của họ càng sớm thấy được nội dung của bạn.

Bên cạnh đó, quảng cáo trên Facebook là cách tốt giúp bạn tiếp cận mọi người thông qua nhắm mục tiêu quảng cáo.

Với sự hiểu biết chi tiết về khách hàng, bạn có thể chọn đối tượng dựa trên nhân khẩu học, thiết bị, độ tuổi, sở thích và nhiều đặc điểm khác.

Quảng cáo trên Facebook thông qua nhắm mục tiêu

Trong một thử nghiệm của HubSpot, nội dung được phân phối qua Facebook Messenger có tỷ lệ mở lên tới 80% và tỷ lệ nhấp là 13%; còn email chỉ có tỷ lệ mở là 33% và tỷ lệ nhấp là 2,1%.

Đó không phải mơ hồ, Facebook Messenger và Chatbots rõ ràng là cách để bạn tăng lượng khán giả. Bạn càng sớm học và sử dụng nó, bạn càng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ nó.

7.2 Youtube

Youtube không xa lạ với đời sống của những người hoạt động trên internet.

Là nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, Youtube có hơn 1,9 tỷ người dùng đăng nhập mỗi tháng. Mỗi ngày, mọi người xem hơn một tỷ giờ video và tạo ra hàng tỷ lượt xem.

Để bắt đầu, bạn có thể tạo một kênh Youtube cho thương hiệu của mình và tải video lên. Khán giả sẽ xem, thích, bình luận, chia sẻ video và đăng ký kênh của bạn.

Các tìm kiếm liên quan đến “làm thế nào để / how to” trên YouTube đang tăng 70% mỗi năm; Youtube cũng là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai thế giới (sau Google). Điều đó có nghĩa là, nếu bạn muốn thương hiệu của mình xuất hiện nhiều hơn trên YouTube, bạn cần tìm hiểu về Youtube SEO.

Youtube cũng cho phép bạn thực hiện quảng cáo trên nền tảng để tăng phạm vi tiếp cận khách hàng tiềm năng. Và, bạn chỉ phải trả tiền khi khán giả thể hiện sự quan tâm đến quảng cáo của bạn.

7.3 Linkedin

Linkedin là một mạng xã hội dành cho các chuyên gia; nơi họ chia sẻ nội dung, kết nối với nhau và xây dựng thương hiệu cá nhân của họ.

Hồ sơ người dùng trên Linkedin được thiết kế để trông giống như sơ yếu lý lịch. Nó cực kỳ chi tiết bao gồm các thông tin như kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng, hoạt động tình nguyện, chứng chỉ, giải thưởng và nhiều hơn nữa. Bất cứ ai cần tạo kết nối để thăng tiến trong sự nghiệp thì đều nên có mặt trên Linkedin.

Linkedin cũng đã trở thành một nơi để các doanh nghiệp thiết lập sự lãnh đạo tư tưởng và quyền lực trong ngành của họ và thu hút nhân tài cho công ty của họ.

Social Media Marketing - Linkedin Example

Người dùng có thể quảng bá bản thân và doanh nghiệp của mình bằng cách kết nối với các chuyên gia khác, tương tác trong các cuộc thảo luận nhóm, đăng quảng cáo, xuất bản bài viết lên Linkedin và hơn thế nữa.

7.4 Instagram

Instagram là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video trên mạng xã hội. Nó cho phép mọi người chia sẻ các nội dung như ảnh, video, Stories và video trực tiếp.

Tháng 6 năm 2018, Instagram cũng ra mắt ứng dụng mới có tên IGTV, nó được xây dựng chủ yếu cho điện thoại thông minh, vì vậy video có chiều dọc với kích thước toàn màn hình.

Ngoài ra, các video không bị giới hạn trong một phút như Instagram. Thay vào đó, mỗi video có thể dài đến một giờ.

Social Media Marketing - Instagram Example

Trên Instagram, bạn có thể chuyển trang cá nhân thành trang kinh doanh để có quyền truy cập vào các tính năng dành cho doanh nghiệp.

Với hiển thị ở định dạng rõ nét và trải nghiệm liền mạch, quảng cáo trên Instagram có thể giúp thương hiệu của bạn đến gần khách hàng hơn.

7.5 Zalo

Zalo là ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên di động và máy tính, được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Zalo cũng cho phép mọi người cập nhật các dòng trạng thái với nhiều tùy chọn màu sắc chữ, phông chữ và hình nền đa dạng trên trang cá nhân.

Social Media Marketing - Zalo Example

Tháng 5 năm 2018, ứng dụng này đã cán mốc 100 triệu người dùng, chủ yếu tài khoản hoạt động ở Việt Nam.

Mọi người ngày càng sử dụng Zalo cho nhiều mục đích liên quan đến công việc và cuộc sống. Bởi vậy, Zalo là tảng thú vị mà bạn nên tham gia để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Mặc dù nền tảng quảng cáo còn khá sơ khai so với các nền tảng quảng cáo lớn trên thế giới như Facebook Ads hay Google Ads nhưng Zalo Ads cũng có thể là một lựa chọn tốt để bạn bắt đầu thử nghiệm và tối ưu hóa.

7.6 Tiktok

Tik Tok (còn được gọi là Douyin ở Trung Quốc) là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc, được ra mắt vào tháng 9 năm 2016.

Tik Tok cho phép bạn sử dụng các bản nhạc, quay các video ngắn (15 giây mỗi video với tài khoản thường) và chỉnh sửa chúng. Đồng thời, bạn có thể thêm các hiệu ứng đặc biệt vào video nhằm làm người xem cảm thấy hấp dẫn, bắt mắt và bị lôi cuốn.

Nền tảng này đã từng bỏ qua Instagram, YouTube và Snapchat để vươn lên là ứng dụng miễn phí hàng đầu trong App Store.

Tháng 6 năm 2018, Tiktok đã đạt mốc 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày (500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng). Đây cũng là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong quý đầu tiên năm 2018, với ước tính khoảng 45,8 triệu lượt tải xuống. Đó là những con số cực kỳ ấn tượng cho một nền tảng social media mới phát triển.

Tương tự như Facebook, Tiktok cung cấp một nền tảng quảng cáo độc đáo hứa hẹn giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ một cách hiệu quả, mặc dù hiện nay nó vẫn còn khá đơn giản.

Giao diện trang chủ Tiktok Ads
Câu Hỏi Thường Gặp về Social Media Marketing
Social media là gì?

Social media (phương tiện truyền thông xã hội) là các công cụ truyền thông dựa trên internet cho phép mọi người chia sẻ nội dung trực tuyến thông qua tài khoản người dùng và tương tác với nhau như một cộng đồng.

Các loại chính của social media là gì?

10 loại social media chính bao gồm: mạng xã hội (social networks), mạng chia sẻ phương tiện truyền thông (media sharing networks), diễn đàn thảo luận (discussion forums), mạng đánh dấu và quản lý nội dung (bookmarking and content curation networks), mạng lưới đánh giá của người tiêu dùng (consumer review networks), mạng blog và xuất bản nội dung (blogging and publishing networks), mạng mua sắm xã hội (social shopping networks), mạng dựa trên sở thích (interest-based networks), mạng kinh tế chia sẻ (sharing economy networks), mạng xã hội ẩn danh (anonymous social networks).

Social media marketing là gì?

Social media marketing (tiếp thị truyền thông xã hội) là quá trình tạo nội dung mà bạn đã điều chỉnh theo ngữ cảnh của từng nền tảng phương tiện truyền thông xã hội riêng lẻ để thúc đẩy sự tương tác và chia sẻ của người dùng.

Tạm kết

Social media đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những gì chúng ta biết về nó có phải còn quá hạn hẹp?

Các nền tảng social media với cách thức hoạt động mới mẻ liên tục ra đời, Tiktok có thể là một ví dụ điển hình. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt để biến những thách thức thành cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng trong thị trường đầy rẫy sự cạnh tranh.

Có được mục tiêu tiếp thị rõ ràng, hiểu biết về đối tượng, lựa chọn nền tảng phù hợp và chia sẻ các nội dung giá trị vào thời điểm vàng là chiến lược giúp marketing hiệu quả trên social media.

Bạn cũng biết rằng, ngữ cảnh của nền tảng sẽ quyết định loại nội dung bạn truyền tải thông qua nó. Giữ cho trải nghiệm của khách hàng tuyệt vời, bạn sẽ đến gần họ hơn.

Trong những năm tiếp theo, quảng cáo trả phí trên social media sẽ ngày càng đắt đỏ bởi mọi người dường như đều hiện diện trên social media, các thuật toán cũng dần tối ưu cho quảng cáo, và doanh nghiệp sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để tiếp cận người dùng.

Tuy nhiên, bạn không nên lo ngại về việc CPM tăng lên. Trong cạnh tranh luôn có người đi lên kẻ đi xuống, điều quan trọng là bạn cần biết cách dạo chơi với nó, tối thiểu là với nền tảng social media phổ biến nhất — Facebook.

Bạn đang làm marketing trên nền tảng social media nào? Chiến lược mà bạn đang thực hiện hàng ngày là gì?

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Execution tại Vingroup. Anh ấy có gần 10 năm kinh nghiệm, từng quản lý đội ngũ marketing hơn 60 nhân sự, yêu thích việc chia sẻ bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

6 bình luận về “Social Media Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu”