1Tổng Quan 2Content Marketing 3SEO 4Email Marketing 5Social Media Marketing 6Digital Advertising 7Tự Học Digital Marketing
Trang chủ / Digital Marketing / Digital Advertising / Digital Advertising: Hướng Dẫn Cơ Bản về Digital Ads

Digital Advertising: Hướng Dẫn Cơ Bản về Digital Ads

Digital advertising là quảng cáo trên môi trường kỹ thuật số. Nó cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô mở rộng phạm vi tiếp cận, phát triển thương hiệu, tìm kiếm khách hàng mới và tăng doanh thu.

Công nghệ đã thay đổi thế giới một cách đáng kinh ngạc và đồng thời cũng thúc đẩy quảng cáo kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ.

Trong bài đăng này, tôi chia sẻ những điều cơ bản về digital advertising dành cho người mới bắt đầu. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm.

1. Digital advertising là gì?

Digital advertising (còn gọi là digital ads) đề cập đến quảng cáo được phân phối thông qua các phương tiện truyền thông điện tử.

Là một nhánh của digital marketing, digital ads bao gồm cả quảng cáo dựa trên internet và thiết bị kỹ thuật số, chẳng hạn như:

  • Quảng cáo dựa trên internet: quảng cáo trên social media, quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, quảng cáo trên các trang web, quảng cáo trên ứng dụng di động.
  • Quảng cáo dựa trên thiết bị kỹ thuật số (non-internet): bảng quảng cáo kỹ thuật số, quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trên radio, quảng cáo bằng tin nhắn SMS.

Mặc dù hai thuật ngữ “digital advertising” và “online advertising” thường được sử dụng thay thế cho nhau nhưng quảng cáo kỹ thuật số là khái niệm lớn hơn trong khi quảng cáo trực tuyến chỉ là một phần của chiếc bánh 😊.

2. Đặc điểm của digital advertising

Digital advertising có những đặc điểm như sau:

  • Hình thức trả phí: Quảng cáo kỹ thuật số cũng giống như các hình thức quảng cáo khác, nằm trong nhóm kênh phương tiện truyền thông trả phí (paid media). Nhà quảng cáo phải trả tiền để mua không gian hoặc vị trí hiển thị cho các nội dung quảng cáo.
  • Có thể đo lường: Mặc dù bạn có thể đo lường nhưng tùy vào loại quảng cáo mà số liệu chi tiết và độ chính xác sẽ khác nhau. Chẳng hạn như quảng cáo trên TV chỉ sử dụng rating để xác định tương đối số lượng khán giả bình quân trên một phút, trong khi quảng cáo trên Facebook cung cấp đầy đủ dữ liệu về số lượng người xem và tương tác với chúng. Thông thường, các nền tảng quảng cáo trực tuyến cho phép nhà quảng cáo nhiều khả năng truy cập dữ liệu đo lường hơn.
  • Định hướng mục tiêu: Những quảng cáo này luôn được thực hiện dựa trên các mục tiêu — tăng mức độ hiển thị và tương tác, chuyển đổi hoặc doanh số, lượt tải ứng dụng,…
  • Có thể cá nhân hóa: Dựa trên hoạt động của người dùng qua internet, quảng cáo trên phương tiện kỹ thuật số có thể được cá nhân hóa.
  • Có thể nhắm mục tiêu: Quảng cáo digital cho phép bạn nhằm mục tiêu theo nhân khẩu học, sở thích, hành vi và hơn thế nữa. Trên thực tế, bạn không chỉ nhắm mục tiêu mà còn có thể nhắm mục tiêu lại (retargeting). Ví dụ: bạn có thể thấy quảng cáo từ những thương hiệu có sản phẩm mà bạn đã xem nhưng chưa mua.

3. Các loại digital advertising

Có nhiều hình thức quảng cáo trong digital marketing, dưới đây là một số loại chính để bạn xem xét:

3.1 Quảng cáo dựa trên internet

Quảng cáo dựa trên internet (còn gọi là quảng cáo trực tuyến) là quảng cáo sử dụng internet để truyền tải thông điệp quảng cáo đến người dùng. Quảng cáo hiển thị trên các nền tảng, trang web và ứng dụng trực tuyến.

Social media advertising

Quảng cáo trên social media đề cập đến việc sử dụng trình quản lý quảng cáo của các nền tảng social media phổ biến như Facebook, TikTok, LinkedIn, Zalo,… để thiết lập và hiển thị nội dung quảng cáo cho người dùng.

Social media advertising: Facebook Ads
Ví dụ về quảng cáo trên Facebook.

Quảng cáo social media có nhiều định dạng và vị trí — tùy vào đặc điểm của mỗi nền tảng, đồng thời hỗ trợ nhiều loại quảng cáo dựa trên mục tiêu như nhận diện thương hiệu, tương tác hay chuyển đổi.

Ngoài ra, nền tảng social media còn cho phép quảng cáo được nhắm mục tiêu cao nhờ vào dữ liệu người dùng phong phú mà họ có. Bạn có thể nhắm mục tiêu người dùng dựa trên (bao gồm nhưng không giới hạn):

  • Vị trí
  • Nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, công việc,…)
  • Sở thích và hành vi
  • Thiết bị sử dụng

Search advertising

Quảng cáo tìm kiếm (còn gọi là quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, paid search, search ads, PPC) là quảng cáo xuất hiện trong kết quả của công cụ tìm kiếm khi mọi người tìm kiếm các từ khóa và cụm từ có liên quan.

Paid search advertising: Google Ads
Ví dụ về quảng cáo tìm kiếm trên Google.

Quảng cáo tìm kiếm rất hữu ích trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng vào đúng thời điểm họ thể hiện sự quan tâm đến một chủ đề, sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.

Tại Việt Nam, bạn có thể chạy quảng cáo tìm kiếm trên Google và Cốc Cốc. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đang sử dụng Google để tìm kiếm, vì vậy nó có thể cho phép bạn mở rộng quy mô.

Ngoài công cụ tìm kiếm, search ads còn xuất hiện trên nhiều nền tảng khác, chẳng hạn như App Store.

Display advertising

Quảng cáo hiển thị (còn gọi là display ads, banner ads) là quảng cáo sử dụng nhiều hình thức khác nhau như chữ, ảnh tĩnh/động, video, 3D graphics và xuất hiện tại một số vị trí cụ thể trên các trang web hoặc ứng dụng.

Display ads thường được đặt trên các trang web có chủ đề liên quan và cũng nhắm mục tiêu đến cùng đối tượng mà nhà quảng cáo đang muốn tiếp cận.

Ví dụ: Vinhomes muốn tiếp cận tệp khách hàng mua nhà để đầu tư. Họ có thể đặt quảng cáo hiển thị trên các trang báo điện tử như CafeBiz, CafeF — những chuyên trang liên quan đến kinh doanh, tài chính. Trong trường hợp khác, nếu Vinhomes muốn tiếp cận cả tệp khách hàng mua nhà để ở, họ có thể đặt thêm quảng cáo hiển thị trên VnExpress.

Display advertising: Quảng cáo hiển thị trên VnExpress
Ví dụ về display ads trên VnExpress.
  • Ưu điểm: Bạn có thể xây dựng nhận thức về thương hiệu thông qua các quảng cáo hiển thị được nhắm mục tiêu trên các trang web mà khách hàng của bạn đang sử dụng.
  • Nhược điểm: Tỷ lệ tương tác thấp và mọi người có xu hướng bỏ qua hầu hết các quảng cáo hiển thị mà họ nhìn thấy.

Bạn có thể mua quảng cáo hiển thị thông qua:

  • Mạng quảng cáo nội địa (local display network — LDN): Admicro, Adtima, Cốc Cốc, VnExpress, Dantri.
  • Mạng quảng cáo trực tuyến: Google Display Network (GDN).

Audio advertising

Quảng cáo âm thanh là quảng cáo được phát trước, trong hoặc sau nội dung âm thanh trực tuyến (chẳng hạn như bài hát, podcast). Chúng thường được sử dụng trên các nền tảng phát trực tuyến như Spotify, Zing MP3.

Dưới đây là một ví dụ:

Audio advertising: Spotify Ads
Quảng cáo âm thanh trên Spotify.

Lợi ích của quảng cáo âm thanh là người dùng được yêu cầu nghe toàn bộ quảng cáo nếu họ không trả phí đăng ký cho dịch vụ phát trực tuyến. Điều này cho phép nhà quảng cáo tiếp cận lượng lớn khán giả bằng những thông điệp đáng nhớ, có tác động cao.

Online video advertising

Quảng cáo video đề cập đến bất kỳ hình thức quảng cáo trực tuyến nào bao gồm video. Có hai loại quảng cáo video chính: trong luồng (in-stream) và ngoài luồng (out-stream).

  • In-stream video ads là những quảng cáo xuất hiện ở đầu, giữa hoặc cuối nội dung video khác. Chúng thường hiển thị trên các nền tảng như YouTubeFacebook. Dưới đây là một ví dụ:
Online video advertising: Youtube Ads
Ví dụ về quảng cáo video trên Youtube.
  • Out-stream video ads là những quảng cáo xuất hiện riêng biệt với nội dung video. Khi bạn tải một trang web và có quảng cáo video hiển thị ở đầu, ở thanh bên, ở một trong các góc hoặc xen kẽ các phần nội dung của trang thì đó là quảng cáo ngoài luồng.

Khi ngày càng nhiều người dành thời gian trên các nền tảng phát video, quảng cáo video ngày càng phổ biến và là cách hiệu quả để nâng cao nhận thức về thương hiệu và tìm kiếm khách hàng mới.

3.2 Quảng cáo dựa trên thiết bị kỹ thuật số

Quảng cáo dựa trên thiết bị kỹ thuật số đề cập đến việc sử dụng các thiết bị điện tử kỹ thuật số như ti vi, radio, điện thoại, màn hình LED để truyền tải thông điệp quảng cáo đến khán giả.

Quảng cáo trên truyền hình

Quảng cáo trên truyền hình (còn gọi là quảng cáo trên tivi) là quảng cáo được phát trên các kênh truyền hình trong những khoảng thời gian được chỉ định để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.

Quảng cáo trên truyền hình
Ví dụ về quảng cáo trên truyền hình.

Quảng cáo trên truyền hình cho phép bạn truyền tải thông điệp tới một lượng lớn khán giả bằng cách tiếp cận hàng triệu người xem cùng một lúc.

Để đảm bảo tiếp cận đúng người đang xem quảng cáo, bạn cũng có thể nhắm mục tiêu theo khu vực địa lý và nhân khẩu học tùy theo kênh mà quảng cáo được hiển thị và thời gian phát quảng cáo.

Quảng cáo trên radio

Quảng cáo trên radio là quảng cáo được phát trên các kênh phát thanh như VOV Giao thông trong những khoảng thời gian được chỉ định để truyền tải thông điệp tới khách hàng tiềm năng.

Tương tự quảng cáo truyền hình, bạn có thể được nhắm mục tiêu đến các đối tượng cụ thể bằng cách chọn đúng kênh phát thanh và thời gian phát quảng cáo cho nhóm nhân khẩu học mong muốn.

Nhìn chung, quảng cáo trên radio có thể là một cách hiệu quả để tiếp cận lượng lớn khán giả, nâng cao nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Digital out-of-home (DOOH) advertising

OOH là một trong những hình thức quảng cáo lâu đời nhất. Với sự phát triển của công nghệ, các màn hình hiển thị kỹ thuật số ngoài trời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho kênh quảng cáo này và truyền thông hiện đại. Trên thực tế, DOOH đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với quảng cáo.

DOOH đề cập đến bất kỳ bảng quảng cáo kỹ thuật số nào có thể nhìn thấy trên đường phố hoặc tại những nơi công cộng, chẳng hạn như sân vận động và trung tâm thương mại.

Bảng quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số (DOOH)
Ví dụ về quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số (DOOH).

Trên thị trường hiện nay, LED và LCD là hai loại màn hình được sử dụng phổ biến nhất. Mỗi loại màn hình đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng nhìn chung, các bảng quảng cáo màn hình LED có lợi thế hơn.

4. Các mô hình định giá quảng cáo digital

Mô hình định giá trong digital advertising đề cập đến cách nhà quảng cáo sẽ trả tiền cho nhà cung cấp để quảng cáo của họ được hiển thị trên các không gian hoặc vị trí mà họ mua, chẳng hạn như trang web, ứng dụng di động,…

Tùy theo loại quảng cáo, mục tiêu và định dạng mà mô hình định giá sẽ có sự khác nhau. Các mô hình định giá phổ biến nhất bao gồm CPM, CPC, CPE, CPV, CPL, CPA, CPD, CPI.

  • Cost per mille (CPM):  Là giá mỗi nghìn lần hiển thị, còn được gọi là cost per thousand (CPT). Với mô hình định giá này, bạn sẽ trả một số tiền nhất định cho mỗi 1.000 lần quảng cáo của bạn hiển thị trực tuyến (impression).
  • Cost per click (CPC): Là giá cho mỗi lần nhấp chuột, còn được gọi là pay per click (PPC). Với mô hình định giá này, bạn sẽ trả một mức giá nhất định mỗi khi có ai đó nhấp vào quảng cáo của họ.
  • Cost per engagement (CPE): Là giá cho mỗi lần tương tác, chẳng hạn như reaction, bình luận, chia sẻ, nhấp vào quảng cáo hoặc liên kết,… Bạn có thể gặp cách tính phí này trên các nền tảng như Facebook Ads.
  • Cost per view (CPV): Là giá cho mỗi lượt xem video. Về cơ bản, bạn sẽ chỉ trả tiền khi người dùng xem video của bạn. Bạn có thể gặp cách tính phí này đối với quảng cáo video trên Facebook Ads, Youtube Ads.
  • Cost per lead (CPL): Là giá cho mỗi khách hàng tiềm năng. Đối với các nền tảng quảng cáo có biểu mẫu khách hàng tiềm năng (lead form) như Facebook Ads, bạn sẽ thấy số liệu CPL hiển thị trong trình quản lý quảng cáo. Trên thực tế, ngay cả khi bạn chạy mục tiêu CPA hoặc CPC để đưa lưu lượng truy cập vào trang đích và tạo ra các khách hàng tiềm năng, CPL vẫn có ý nghĩa và sẽ được tính toán thủ công trong hoạt động quản lý hiệu suất chiến dịch quảng cáo.
  • Cost per action (CPA): Là giá cho mỗi hành động, còn được gọi là cost per acquisition (CPA). Với mô hình định giá này, bạn sẽ trả một mức giá nhất định mỗi khi có ai đó thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như mua hàng, đăng ký,…
  • Cost per duration (CPD): Là giá cho mỗi thời lượng. Về cơ bản, bạn sẽ trả một mức giá nhất định dựa theo thời gian muốn hiển thị quảng cáo. Bạn có thể gặp cách tính phí này khi đặt mua quảng cáo hiển thị thông qua các mạng quảng cáo như Admicro.
  • Cost per install (CPI): Là giá cho mỗi lượt cài đặt ứng dụng. Bạn có thể gặp cách tính phí này trên các nền tảng như Facebook Ads, Google Ads, Apple Search Ads.

Các mô hình định giá trên thường được sử dụng cho quảng cáo trực tuyến. Đối với quảng cáo dựa trên thiết bị kỹ thuật số như radio, TV hay digital frame trong thanh máy, chúng ta còn có một mô hình định giá phổ biến khác là chi phí trên mỗi lần phát (Cost per Spot). Tùy vào loại quảng cáo và sự cho phép của đơn vị cung cấp mà thời lượng của một spot sẽ khác nhau.

5. Các số liệu đo lường quảng cáo digital

Khi chạy chiến dịch, bạn cần theo dõi các số liệu để đo lường hiệu suất của mình. Điều này giúp bạn xác định các vấn đề cần cải thiện.

Quảng cáo là một phần của quá trình marketing, chúng ta sẽ xem xét các số liệu đo lường digital advertising phổ biến dựa trên funnel và hành trình của khách hàng.

Marketing Funnel
Marketing funnel. Nguồn ảnh: Ahrefs.

Số liệu cụ thể mà bạn sẽ đánh giá tùy thuộc vào mục tiêu của bạn và loại quảng cáo bạn đang chạy. Dưới đây là một số mục tiêu quảng cáo điển hình:

Số liệu đo lườngMục tiêu tăng lượt hiển thị và nhận diện thương hiệuMục tiêu tương tácMục tiêu chuyển đổi
CPM
Frequency
Reach
CPE
% Engagement
CPC
% CTR
CPA
% CR
ROAS

Tạm kết

Trong digital marketing, quảng cáo là cách quan trọng để tiếp cận đối tượng mục tiêu, nâng cao nhận diện thương hiệu và thúc đẩy chuyển đổi.

Tôi hy vọng hướng dẫn này đã giúp bạn tìm hiểu những kiến ​​thức cơ bản về digital advertising.

Bây giờ là lúc áp dụng mọi điều bạn đã học vào thực tế bằng cách chạy chiến dịch digital advertising đầu tiên của bạn. Nhưng trước tiên, bạn cần hiểu đối tượng của bạn, đặt mục tiêu và xác định tùy chọn loại quảng cáo nào bạn sẽ sử dụng.

Tôi đã bỏ lỡ điều gì đó? Hãy cho tôi biết suy nghĩ của bạn về bài viết này trong phần bình luận.

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Execution tại Vingroup. Anh ấy có gần 10 năm kinh nghiệm, từng quản lý đội ngũ marketing hơn 60 nhân sự, yêu thích việc chia sẻ bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

2 bình luận về “Digital Advertising: Hướng Dẫn Cơ Bản về Digital Ads”