Trang chủ / Growth / Growth Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

Growth Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu

Bạn đã bắt gặp cụm từ growth marketing trước đây? Nguồn gốc của nó có thể được bắt nguồn từ Sean Ellis, người đã đặt ra thuật ngữ growth hacking vào năm 2010.

Ngày nay, marketing thành công không còn chỉ về thu hút khách hàng mới mà còn là việc giữ chân và khiến họ gắn bó với bạn. Các doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài đang quan tâm hơn về phần phía dưới của phễu.

Growth Marketing Funnel

Trong bài đăng này, tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về growth marketing và cung cấp những hiểu biết sâu sắc để bạn áp dụng nó trong thực tế.

1. Growth marketing là gì?

Có rất nhiều sự nhầm lẫn về growth marketing, đặc biệt khi so sánh với growth hacking. Đôi khi, mọi người dùng chúng thay thế cho nhau.

Mặc dù cả hai đều dựa trên AARRR framework để giải quyết bài toán tăng trưởng nhưng chúng vẫn có một số điểm khác biệt.

Đặc điểmGrowth hackingGrowth marketing
Thương hiệuGrowth hacking không liên quan gì đến thương hiệuGrowth marketing tập trung vào thương hiệu
Kế hoạchNgắn hạn, hướng đến tăng trưởng đột pháDài hạn, hướng đến tăng trưởng bền vững
Dữ liệuDựa trên dữ liệu tức thì, ngay cả khi phải tiến hành thử nghiệm để có được nóDựa trên dữ liệu có sẵn từ các kênh, chính sản phẩm, nghiên cứu và các bên thứ 3
Trung tâmLấy hiệu suất làm trung tâmLấy người dùng làm trung tâm
Tốc độDi chuyển nhanh chóng, phá vỡ mọi thứDi chuyển nhanh nhưng tập trung vào trải nghiệm của khách hàng và không ảnh hưởng đến thương hiệu

Chúng ta đều biết rằng, một doanh nghiệp muốn thành công thì vào một vài thời điểm họ cũng cần đạt được mức tăng trưởng đột phá.

Vì vậy, nếu growth marketing là một bức tranh toàn cảnh thì growth hacking (có thể) là một phần của nó.

Định nghĩa về growth marketing

Bạn có thể tìm thấy vô số cách định nghĩa khác nhau về growth marketing.

Dưới đây là một định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu từ Ahrefs để bạn có thể hình dung:

Growth marketing is a holistic and data-driven approach to marketing. It focuses on the entire funnel (rather than just the top of the funnel) and applies the scientific method—formulating hypotheses, testing these hypotheses, then refining or eliminating them.

— Nguồn: Ahrefs.

Tạm dịch: Tiếp thị tăng trưởng là một cách tiếp cận toàn diện và dựa trên dữ liệu để tiếp thị. Nó tập trung vào toàn bộ phễu (thay vì chỉ phần trên cùng của phễu) và áp dụng phương pháp khoa học — xây dựng các giả thuyết, kiểm tra các giả thuyết này, sau đó tinh chỉnh hoặc loại bỏ chúng.

Growth Marketing là gì?

Growth marketing sử dụng các kênh tiếp thị khác nhau (bao gồm các kênh hiện có và kênh mới nổi, không phân biệt truyền thống hay kỹ thuật số) để thu hút và giữ chân khách hàng.

Growth marketing thường có trách nhiệm trực tiếp đối với các kết quả kinh doanh chính như doanh thu, tăng trưởng người dùng và ROI.

Growth marketing nằm ở đâu?

Tiếp thị tăng trưởng là một trong ba lĩnh vực marketing chính giúp nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm cốt lõi trong mắt người tiêu dùng.

Khi sắp xếp dựa trên sự xa gần với mục tiêu, chúng trông giống như một tập hợp các vòng tròn đồng tâm:

Customer Proximity to the Product
Nguồn: Reforge.

Mỗi lĩnh vực marketing tập trung vào các đối tượng mục tiêu khác nhau với mức độ gần gũi với sản phẩm khác nhau (chú ý đến chiều mũi tên từ ngoài vào trong):

  • Brand marketing: Tập trung vào việc tiếp cận những khán giả ít quen thuộc với sản phẩm của bạn và đôi khi là ngành hàng của bạn. Brand marketing làm tăng nhận thức và ý định, điều đó cho phép khách hàng được thu hút bằng growth marketing.
  • Growth marketing: Tập trung vào việc thu hút khách hàng (acquisition) và giữ họ ở đó (retention).
  • Product marketing: Tập trung vào việc đảm bảo rằng người dùng hiện tại hiểu sản phẩm của bạn và các tính năng của chúng, đặc biệt là khi bạn đưa sản phẩm mới ra thị trường.

2. Growth marketing trông như thế nào?

Mô hình tăng trưởng của bạn quyết định cách bạn làm growth marketing.

Các sản phẩm khác nhau có mô hình tăng trưởng khác nhau, chúng được thể hiện tốt hơn dưới dạng hệ thống các vòng lặp, thay vì phễu.

Điều lớn nhất mà chúng tôi học được là AARRR framework quá vi mô để có thể trả lời “Làm thế nào để sản phẩm của bạn tăng trưởng?”. Nó giúp giải thích một bước cụ thể trong vòng lặp tăng trưởng nhưng lại bỏ lỡ bức tranh lớn hơn về chính vòng lặp đó.

Brian Balfour, Founder/CEO @ Reforge

Vòng lặp tăng trưởng là hệ thống khép kín được thiết kế để đảm bảo mọi đầu vào đều trải qua một loạt các bước được xác định trước để tạo ra đầu ra. Tiếp theo, đầu ra đó được tái đầu tư như một đầu vào và quá trình lặp lại.

Vòng Lặp Tăng Trưởng (Growth Loop)

Có nhiều loại vòng lặp tăng trưởng khác nhau. Ba trong số các vòng lặp phổ biến nhất là lan truyền, nội dung và trả phí.

Vòng lặp lan truyền là một cơ chế thúc đẩy các lượt giới thiệu liên tục để tăng trưởng liên tục.

Có một số kiểu khác nhau của vòng lặp lan truyền. Bạn cần hiểu chúng để tạo và tối ưu hóa:

  1. Truyền miệng (word of mouth): Một người nói với người khác về sản phẩm bên ngoài sản phẩm.
  2. Không phải trả tiền (organic): Một người dùng mời người khác sử dụng sản phẩm thông qua cách sử dụng tự nhiên. Ví dụ: Người dùng mời thành viên nhóm vào workspace trong Slack để giao tiếp và cộng tác.
Slack Growth Viral Loop
  1. Tiếp xúc thông thường (casual contact): Khi một người sử dụng sản phẩm một cách tự nhiên nhưng gián tiếp hiển thị nó cho những người không phải là người dùng.
  2. Khuyến khích (incentivized): Khi mời hoặc chia sẻ với bạn bè được khuyến khích trực tiếp bởi một số phần thưởng. Ví dụ: StreamYard tặng $25 điểm tín dụng khi mời bạn bè của bạn tham gia.
StreamYard khuyến khích mời bạn bè tham gia (viral loop)

Mỗi vòng lặp này hoạt động khác nhau một chút nhưng tất cả chúng đều có thể được giải thích và tối ưu hóa với gần như cùng một tập hợp các bước lặp lại:

  1. Người dùng mới đăng ký
  2. % người dùng gửi lời mời hoặc nội dung cho bạn bè
  3. % bạn bè nhấp vào liên kết và tương tác
  4. % trong số những người bạn đó đăng ký và trở thành người dùng

Về cơ bản, người dùng gửi lời mời qua một số kênh. Sau đó, một tỷ lệ người được mời sẽ phản hồi cho những lời mời đó, điều này tạo ra người dùng mới và chu kỳ vẫn tiếp tục.

Đọc thêm: Cách tính hệ số viral (kèm công cụ tính toán miễn phí)

Vòng lặp nội dung liên quan đến việc tạo và phân phối nội dung theo cách thu hút nhiều người dùng hơn.

Có hai loại vòng lặp nội dung chính và nó bắt đầu với câu hỏi “Ai tạo ra nội dung?”:

  1. Nội dung do công ty tạo (như HubSpot, Semrush)
  2. Nội dung do người dùng tạo (như Medium, Pinterest, Chợ Tốt)

Các vòng lặp nội dung đều nằm trên các công cụ phân phối mạnh mẽ như các trang kết quả tìm kiếm của Google hoặc các nền tảng social media.

Đối với nội dung do công ty tạo, nó hoạt động theo một động lực tương tự như performance marketing nhưng thay vì chi tiêu cho quảng cáo chúng ta đầu tư vào sản xuất nội dung.

Editorial content loop

Đối với vòng lặp nội dung do người dùng tạo, nó có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất nhưng cũng khó đạt được nhất.

Loại vòng lặp này dựa trên nội dung do bên thứ ba sản xuất và được phân phối bởi bên thứ ba. Trong ví dụ dưới đây về Chợ Tốt, các tin rao vặt do người dùng tạo và được phân phối bởi các trang kết quả tìm kiếm của Google.

Chợ Tốt UGC Loop
Vòng lặp nội dung do người dùng tạo của Chợ Tốt.

Bởi phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba nên vòng lặp UGC cũng là một trong những vòng lặp nội dung khó tạo nhất. Tuy nhiên khi bắt đầu hoạt động, nó có thể tồn tại trong nhiều năm và tiếp tục tăng trưởng với các khoản đầu tư tối thiểu.

Các bước tạo thành một vòng lặp nội dung:

  1. Người dùng mới đăng ký
  2. Nội dung được tạo bởi người dùng, nhà cung cấp, công ty hoặc đối tác
  3. Nội dung được phân phối bởi người dùng, nhà cung cấp, công ty hoặc đối tác
  4. % người xem nội dung đăng ký và trở thành người dùng

Khi nói đến xây dựng vòng lặp nội dung, Casey Winters là một trong những người đáng học hỏi nhất vì đã mở rộng quy mô phát triển tại GrubHub và Pinterest bằng loại vòng lặp này.

Dưới đây là quy trình 5 bước mà Winters đề xuất để đánh giá cơ hội và bắt đầu:

  1. Tìm cách lấy nội dung từ người dùng của bạn. Hãy xác định loại nội dung sẽ thúc đẩy mô hình của bạn và có giá trị đối với người dùng cũng như không phải người dùng.
  2. Cung cấp cho người dùng động cơ (và một cơ chế) để chia sẻ nội dung đó. Hãy làm cho quá trình chia sẻ nội dung dễ dàng nhất có thể. Ví dụ: TikTok đã làm cho việc quay video và chia sẻ nó trong cũng như ngoài ứng dụng trở nên dễ dàng hơn.
  3. Tìm nơi cộng đồng của bạn hoạt động. Ví dụ: Khán giả của Chợ Tốt sẽ truy cập vào Google, vì vậy họ tập trung vào SEO.
  4. Theo dõi lưu lượng truy cập theo nguồn và khớp ý định của người dùng với giá trị được phân phối để điều chỉnh sản phẩm của bạn.
  5. Chuyển đổi, kích hoạt và không ngừng thử nghiệm các cách để nuôi vòng lặp. Chuyển đổi những người xem nội dung là một thành phần quan trọng của vòng lặp. Nếu mọi người không đăng ký, đó là một vấn đề và bạn cần tiến hành các thử nghiệm để giải quyết nó.
Content Loop
  • Vòng lặp trả phí (paid loop)

Vòng lặp trả phí xảy ra khi một công ty phân phối quảng cáo trả phí để thu hút nhiều người dùng và khách hàng hơn. Sau đó, doanh thu (hoặc lợi nhuận) có thể được tái đầu tư vào nhiều quảng cáo hơn.

Mô hình tăng trưởng này có hơi kém thú vị hơn nhưng nó lại có thể giúp mở rộng quy mô hiệu quả. Người dùng hiện tại không trực tiếp giúp bạn có được người dùng mới nhưng họ tạo ra doanh thu mà bạn có thể tái đầu tư vào quảng cáo trả phí.

Vòng lặp trả phí (Paid loop)

Các bước tạo thành một vòng lặp trả phí:

  1. Người dùng mới đăng ký
  2. % người dùng chuyển đổi để trả tiền cho bạn
  3. Doanh thu từ người dùng được tái đầu tư vào nhiều quảng cáo hơn
  4. % xem quảng cáo đăng ký và trở thành người dùng

Khi nghĩ về các vòng lặp, câu hỏi chính là: Làm thế nào để một nhóm người dùng dẫn đến một nhóm người dùng khác?

Mặc dù khác nhau về loại vòng lặp nhưng các bước và chuyển động tương tự nhau.

Mỗi chức năng tăng trưởng kiểm soát các đòn bẩy khác nhau để làm cho vòng lặp tăng trưởng hoạt động:

Nhóm tăng trưởng như một tập hợp các nhóm với chức năng tương ứng
Nhóm tăng trưởng như một tập hợp các nhóm với chức năng tương ứng. Nguồn: Andrew Chen.
  1. Sản phẩm: Xác định các hành động cốt lõi mà bạn muốn người dùng thực hiện để nhận ra giá trị của sản phẩm và thúc đẩy vòng lặp.
  2. Thiết kế và kỹ thuật: Hiện thực hóa các yêu cầu thành trải nghiệm thực tế trong sản phẩm giúp người dùng chuyển từ bước này sang bước khác dễ dàng.
  3. Growth marketing: Cung cấp năng lượng cho vòng lặp bằng cách mang lại người dùng mới hoặc người dùng cũ trở lại và đảm bảo họ tiếp tục sử dụng vòng lặp theo thời gian.

Khi được thực hiện tốt, growth marketing sẽ nạp nhiên liệu, tăng tốc và khởi động lại các vòng lặp trong mô hình tăng trưởng của bạn. Nói cách khác, nó cung cấp năng lượng để duy trì các vòng lặp.

Growth marketing tạo sức mạnh cho các vòng tăng trưởng
  1. Nhiên liệu (fuel): Thu hút người dùng/khách hàng tiềm năng vào mô hình tăng trưởng.
  2. Tăng tốc (accelerate): Cho phép mọi người di chuyển qua mô hình tăng trưởng bằng cách khuyến khích họ thực hiện các hành động mong muốn.
  3. Khởi động lại (restart): Đưa mọi người trở lại vòng lặp để xây dựng hoặc bắt đầu lại thói quen.

3. Tại sao growth marketing lại quan trọng?

Hầu hết các doanh nghiệp chi tiêu ngân sách để thu hút khách hàng mới bởi vì họ quen thuộc với điều này và có thể làm nó dễ dàng.

Nhưng vào một số thời điểm khó khăn, mọi người bắt đầu nhận ra mình đã bỏ lỡ các khách hàng cũ và tự hỏi họ đã đi đâu?

Growth marketing giải quyết vấn đề này bằng cách tập trung vào toàn bộ phễu. Dưới đây là một số lý do tại sao bạn cần nó:

  • Mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng: Growth marketing lấy khách hàng làm trung tâm. Vì vậy, nó tìm cách tạo ra mối quan hệ lâu dài với khách hàng ngoài việc thuyết phục họ mua hàng lần đầu.
  • Nâng cao khả năng giữ chân khách hàng: Nó nhấn mạnh vào việc tối ưu hóa để tương tác và giữ chân khách hàng. Mục đích là làm hài lòng khách hàng và khiến họ quay trở lại nhiều lần.
  • Dựa trên dữ liệu và kết quả: Growth marketing dựa trên dữ liệu để đưa ra các ý tưởng thử nghiệm. Nó cũng tuân thủ phương pháp khoa học để tìm ra những gì thực sự hoạt động và loại bỏ những gì không phù hợp.
  • Tăng trưởng bền vững: Khi làm tốt tất cả những điều trên, growth marketing cho thấy sự tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn, đem lại ROI với chi phí đầu tư tối thiểu.

Ngoài ra, growth marketing cũng giúp cải thiện nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy việc hợp tác giữa các chức năng tăng trưởng (sản phẩm, thiết kế, kỹ thuật, marketing).

Growth marketing không còn là một từ thông dụng trong ngành marketing; thay vào đó, nó đã được chứng minh là một con đường bền vững và có thể nhân rộng để dẫn đến thành công.

— Nguồn: Forbes.

4. Growth marketing nên được thực hiện như thế nào?

Đây là lúc chúng ta nói về việc bạn sẽ bắt đầu như thế nào để có thể áp dụng chiến lược này.

Hầu hết mọi tài liệu bạn tìm thấy trên Google sẽ đưa bạn đến lời khuyên nên dùng các kênh và phương tiện truyền thông nào cho từng giai đoạn của khách hàng.

Thành thực mà nói, đó không phải cách tiếp cận tốt vì nó không giúp bạn giải quyết vấn đề từ góc độ chiến lược và tư duy tổng thể.

Điều đó có nghĩa là, bạn không thể làm growth marketing mà không có những điều kiện cần.

Bắt đầu với sản phẩm/thị trường phù hợp

Bây giờ, chúng ta hãy cùng đi sâu vào nó.

Đầu tiên, tôi sẽ giới thiệu đến bạn một mô hình có tên là The Startup Pyramid. Kim tự tháp này do Sean Ellis tạo, nó đại diện cho quy trình mà chúng ta sẽ sử dụng để mở rộng quy mô kinh doanh.

Dưới đây là kim tự tháp ban đầu và một phiên bản mới đi sâu vào chi tiết hơn về cách thực sự thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Kim tự tháp tăng trưởng (The Growth Pyramid)
The Growth Pyramid. Nguồn: GrowthHackers.

Về cơ bản, bạn cần một sản phẩm/thị trường phù hợp. Tăng quy mô trước khi có sản phẩm/thị trường phù hợp là cách nhanh nhất để giết chết công ty của bạn. Nhưng nếu sản phẩm/thị trường phù hợp mà bạn bỏ lỡ cơ hội tăng quy mô thì còn đáng tiếc hơn.

Vì vậy, khi bạn không chắc mình có sản phẩm/thị trường phù hợp, quyết định có bắt đầu mở rộng quy mô hay không có thể rất khó khăn.

Bằng cách hỏi những khách hàng hiện tại “bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn không thể sử dụng sản phẩm nữa?”, bạn sẽ có một số liệu cụ thể để xác định sản phẩm/thị trường phù hợp.

Theo Sean Ellis, để đạt được sản phẩm/thị trường phù hợp cần ít nhất 40% người dùng nói rằng họ sẽ “rất thất vọng” nếu không có sản phẩm của bạn.

Sean Ellis nhận thấy rằng con số kỳ diệu đối với sự phù hợp của sản phẩm/thị trường là 40%.
Nguồn: PMFSurvey.

Tất nhiên, những khách hàng này phải đại diện cho một thị trường mục tiêu đủ lớn để xây dựng một doanh nghiệp thú vị.

Chúng tôi không tăng tốc cho đến khi xác minh rằng nhóm đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng và chúng tôi có thể tạo ra đủ doanh thu từ người dùng để hỗ trợ các chương trình thu hút khách hàng bền vững.

— Sean Ellis, tác giả cuốn sách Hacking Growth.

Khi bạn đã đạt được sản phẩm/thị trường phù hợp, đó là lúc bạn có thể chuyển qua bước tiếp theo của kim tự tháp và sau đó bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh.

Nếu bạn là một nhân viên cấp dưới, sản phẩm và mô hình kinh doanh có thể vượt ra ngoài tầm tay của bạn. Ban giám đốc và quản lý cấp cao là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong việc quyết định cải thiện hoặc thay đổi chúng, hãy giúp họ hiểu vấn đề.

Mặc dù sản phẩm/thị trường phù hợp rất quan trọng nhưng nó không phải là điều quan trọng duy nhất.

 Những gì cần thiết để tăng trưởng
Những gì cần thiết để tăng trưởng. Nguồn: Brian Balfour.

Sau khi đã thỏa mãn các điều kiện cần, nhóm của bạn hãy tập trung vào việc áp dụng AARRR framework để thúc đẩy tăng trưởng.

Áp dụng AARRR framework

AARRR framework được tạo ra bởi Dave McClure. Đó là một điểm khởi đầu tuyệt vời, nó giúp bạn xác định những kênh và chiến thuật chính cho mỗi giai đoạn của phễu.

Tuy nhiên trước khi áp dụng nó, bạn cần xác định mô hình tăng trưởng của sản phẩm. Sau đó, AARRR framework là công cụ hỗ trợ đắc lực để bạn cụ thể hóa hành động.

  • Acquisition (thu hút)
  • Activation (kích hoạt)
  • Retention (giữ chân)
  • Referral (giới thiệu)
  • Revenue (doanh thu)

Bây giờ, chúng ta hãy đi sâu vào từng giai đoạn:

Acquisition

Thu hút khách hàng là quan trọng đối với các doanh nghiệp ở mọi quy mô. Việc có thể thu hút và chuyển đổi khách hàng mới một cách có hệ thống giúp các công ty luôn phát triển.

Ở giai đoạn này, bạn cần đến các phương pháp, kênh và chiến thuật mà qua đó có thể thu hút người hâm mộ, độc giả và khách hàng tiềm năng mới.

Hãy tìm hiểu khách hàng của bạn là ai và họ đang ở đâu. Sau đó, bạn cần tập trung vào các kênh marketing có chi phí mua lại khách hàng (CAC) thấp nhất và lợi nhuận cao nhất.

Kênh thu hút được chia thành hai loại chính là kênh trả phí và kênh không phải trả tiền. Các kênh “không phải trả tiền” không có nghĩa là miễn phí, nó có chi phí lao động và vận hành.

Bạn nên biết rằng hầu hết các công ty không bao giờ thực sự có lãi nếu chỉ sử dụng các kênh trả phí. Thay vào đó, họ kết hợp giữa bán hàng, truyền miệng, tăng trưởng dựa trên sản phẩm và các kênh không phải trả tiền.

Đọc thêm: How to Acquire Customers: 19 “Traction” Channels to Start Testing Today (từ Zapier)

Activation

Giai đoạn này là tất cả về cách bạn có được khách hàng tiềm năng và nuôi dưỡng họ.

Khi bạn đã thu hút khách truy cập, một số người trong số họ trở thành người dùng hoặc người đăng ký email.

Người dùng thường cảm thấy bối rối và khó chịu khi không tìm thấy sự trợ giúp trong quá trình họ tìm hiểu sản phẩm. Vì vậy, họ có thể đến và đi nhanh chóng, làm thế nào để bạn đảm bảo điều này không xảy ra?

Ở giai đoạn này, bạn cần cung cấp các tài nguyên hỗ trợ và cải thiện trải nghiệm người dùng với sản phẩm để họ sớm nhận ra giá trị dịch vụ của bạn.

Một số chiến thuật cho giai đoạn này bao gồm:

  • Email onboarding được thiết kế để giúp khách hàng mới sử dụng và nhận được giá trị từ sản phẩm hoặc dịch vụ.
Email onboarding
Chuỗi email được tự động gửi mỗi khi ai đó đăng ký tài khoản mới trên Printub.
  • Product tour: Các chuyến tham quan sản phẩm — đôi khi được gọi là product walkthrough — giới thiệu cho người dùng một sản phẩm mới và hướng dẫn họ sử dụng chúng nhanh chóng.

Một số mẫu giao diện người dùng phổ biến để xây dựng các chuyến tham quan sản phẩm là tooltips, hotspots, modals, slideoutscoach marks.

Tooltips

Đọc thêm: User onboarding best practices (từ Appcues)

  • Trung tâm trợ giúp cung cấp cho người dùng (khách hàng) các thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
Trang trung tâm trợ giúp (help center)
Trang trung tâm trợ giúp của Printub.
  • Cung cấp trò chuyện trực tiếp có thể giúp người dùng vượt qua một số khó khăn trong trường hợp họ không tìm thấy thông tin cần thiết và bị bối rối.
  • Sử dụng công nghệ cá nhân hóa như Hyperise hay RightMessage cho phép bạn hiển thị nội dung động phù hợp với sở thích và đặc điểm của từng người dùng hoặc khách truy cập.

Chìa khóa cho giai đoạn kích hoạt thành công là tìm ra những gì khách hàng đánh giá cao nhất trong sản phẩm của bạn và giúp họ tiếp cận khoảnh khắc Aha! sớm nhất có thể.

Retention

Việc khiến khách hàng hiện tại mua hàng lặp lại sẽ tiết kiệm hơn so với việc tìm kiếm khách hàng mới. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là bạn làm cách nào để giữ chân khách hàng?

Các hoạt động để cải thiện khả năng giữ chân khách hàng:

  • Bản tin email hấp dẫn hàng tuần (hàng tháng)
  • Email tự động dựa trên hành vi của người dùng
  • Thông báo đẩy trên trình duyệt và di động
  • Quảng cáo tương tác lại (re-engagement)
  • Xây dựng chương trình khách hàng thân thiết (loyalty program)
  • Cải thiện sản phẩm và dịch vụ khách hàng của bạn
  • Phát triển cộng đồng khách hàng của bạn
  • Tập trung vào content marketing và social media marketing
  • Cung cấp các công cụ hữu ích miễn phí
  • Up-sell và cross-sell

Trong khi quá trình thu hút giúp bạn có thêm nhiều khách hàng mới, giữ chân là quá trình làm tăng giá trị vòng đời của khách hàng.

Referral

Mục tiêu của giai đoạn này là biến khách hàng của bạn thành những người ủng hộ thương hiệu.

Các chương trình giới thiệu là cách hiệu quả và bền vững nhất để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng quy mô kinh doanh.

Bốn nguyên tắc thúc đẩy một chương trình giới thiệu thành công:

  • Tặng thưởng cho cả người giới thiệu và người được giới thiệu
  • Làm cho sản phẩm của bạn thật tuyệt vời để mọi người muốn giới thiệu nó cho người khác
  • Đề xuất phần thưởng đủ hấp dẫn để kích thích người tham gia
  • Làm cho quá trình đăng ký hoặc mua hàng trở nên đơn giản và dễ dàng

Revenue

Doanh thu trên mỗi khách hàng của bạn có thể được tối đa hóa bằng cách:

  • Giảm chi phí và tăng chuyển đổi
  • Giữ chân khách hàng
  • Up-sell
  • Cross-sell
  • Điều chỉnh chiến lược giá
  • Khuyến khích khách hàng đánh giá sản phẩm vì nó sẽ ảnh hưởng đến những người mua trong tương lai

Tạm kết

Để thực hiện growth marketing hiệu quả, bạn cần hiểu rõ AARRR framework cũng như mô hình tăng trưởng của sản phẩm.

Đừng bị choáng ngợp bởi những thông tin trong bài đăng này, bạn có thể bỏ qua phần lớn nội dung, hãy bắt đầu xem xét lại sản phẩm, thị trường, phương pháp thu hút và giữ chân khách hàng.

Nếu bạn quan tâm đến việc tìm hiểu cách thực hiện growth marketing, tôi khuyên bạn nên tham khảo các tài nguyên sau:

Về tác giả Phạm Đình Quân

Phạm Đình Quân là người sáng lập BetterGrowth, và hiện đang là Head of Digital Marketing tại Vinpearl. Anh ấy cũng từng đảm nhiệm vai trò Director of Growth tại Xanh SM. Bằng kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình, Phạm Đình Quân đóng góp tích cực những giá trị thiết thực vào trang web này để thúc đẩy thế hệ tiếp nối.
Tìm hiểu thêm

Viết một bình luận

2 bình luận về “Growth Marketing: Hướng Dẫn cho Người Mới Bắt Đầu”

    • Chào Trang,

      Cảm ơn em đã đọc, mong rằng bài viết giúp công việc của em tốt hơn. Ngoài ra, hãy chia sẻ cho bạn bè và đồng nghiệp nếu nó phù hợp nhé.

      Thân,

      Bình luận