Nếu bạn là một người làm SEO, chắc hẳn bạn đã quen thuộc với việc Google thường xuyên thay đổi thuật toán.
Những năm gần đây, họ đã tung ra hàng loạt bản cập nhật cốt lõi như ưu tiên lập chỉ mục trên thiết bị di động (2018), E-A-T (2019), BERT (2019) và Core Web Vitals (2021).
Điều đó có nghĩa là, Google đang tập trung cải thiện chất lượng tìm kiếm thông qua việc đánh giá nội dung và trải nghiệm người dùng trên mỗi trang web.
Vì vậy, SEO on-page ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong bài đăng này, tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách tối ưu hóa SEO trên trang để bạn cải thiện website và thứ hạng tìm kiếm của mình.
1. SEO on-page là gì?
SEO on-page (còn gọi là “SEO on-site” hoặc “SEO onpage”) đề cập đến việc tối ưu hóa bất cứ thứ gì trên trang web để xếp hạng cao hơn trong các công cụ tìm kiếm và làm hài lòng người dùng.
Các phương pháp SEO on-page phổ biến bao gồm tối ưu hóa thẻ tiêu đề, URL, nội dung và liên kết nội bộ.
Về cơ bản, SEO on-page hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn bởi vì bạn có thể trực tiếp điều chỉnh từng chi tiết theo mong muốn.
Điều này trái ngược với SEO off-page, đề cập đến việc tối ưu hóa các yếu tố bên ngoài trang web của bạn. Ví dụ: liên kết từ các trang web khác, tín hiệu phương tiện truyền thông xã hội,…
SEO off-page cũng là một chủ đề rộng và tương đối phức tạp nên tôi sẽ dành một bài viết riêng để nói về nó.
2. Tại sao SEO on-page lại quan trọng?
Mặc dù Google đã thông minh hơn nhiều so với những ngày đầu nhưng họ vẫn xếp hạng các trang web dựa trên một số yếu tố khá cũ như độ mới mẻ của nội dung và tần suất xuất hiện của các từ khóa.
Điều này được họ xác nhận và nêu rõ trong cách hoạt động của thuật toán tìm kiếm:
Để xếp hạng các trang hữu ích, Google sẽ phân tích và tìm các trang web có thông tin khớp với truy vấn của người dùng.
Ở mức cơ bản nhất, họ sẽ tra các từ khóa mà người dùng tìm kiếm có xuất hiện trên một trang hay không.
Ví dụ: Từ khóa nằm trong thẻ tiêu đề.
Bên cạnh những thuật toán cơ bản, Google đã tiến xa hơn khi cũng tìm kiếm nội dung có liên quan khác trên trang dựa trên mức độ liên quan, khả năng sử dụng của trang web, bối cảnh,…
Mục đích cuối cùng là trả về kết quả tìm kiếm phù hợp và hữu ích nhất cho một truy vấn.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Backlinko trên 11,8 triệu kết quả tìm kiếm Google cũng đã chỉ ra rằng viết nội dung toàn diện, chuyên sâu có thể giúp các trang xếp hạng cao hơn.
Từ đó có thể thấy SEO on-page là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để cải thiện xếp hạng tìm kiếm của bạn.
Vậy chúng ta nên quan tâm đến các yếu tố chính nào trong SEO on-page? Hãy cùng tôi đến với phần tiếp theo.
3. Các yếu tố SEO on-page hàng đầu
Theo kinh nghiệm của tôi, SEO on-page bao gồm 3 khía cạnh chính và bạn nên tập trung vào chúng:
- Kỹ thuật
- Nội dung
- Trải nghiệm người dùng
3.1 Kỹ thuật
Tối ưu hóa kỹ thuật là việc xem xét những yếu tố liên quan đến mặt kỹ thuật của website như sơ đồ trang web (sitemap) và tệp robots.txt.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết về các mã trạng thái HTTP (thường gặp: 301, 302, 307, 404).
Hiểu mã trạng thái và biết cách sử dụng chúng sẽ giúp bạn chẩn đoán lỗi trang web một cách nhanh chóng để giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động trên trang web của bạn.
Nhờ những yếu tố trên, Googlebot sẽ dễ dàng quét website của bạn, sau đó đánh giá nội dung và quyết định lập chỉ mục.
3.2 Nội dung
Bạn không chỉ dừng ở việc viết nội dung chất lượng mà còn cần phải tối ưu những yếu tố liên quan khác như thẻ tiêu đề, URL, thẻ mô tả, từ khóa, hình ảnh, các liên kết,…
Nội dung của bạn càng hữu ích và lôi cuốn khiến độc giả dành nhiều thời gian hơn trên trang web thì sẽ càng được Google đánh giá cao.
3.3 Trải nghiệm người dùng
Google thường đánh giá trải nghiệm người dùng trên trang dựa vào các yếu tố như tốc độ tải trang, thiết kế đáp ứng trên nhiều thiết bị và cấu trúc trang web.
Trải nghiệm của người dùng vốn từ lâu đã là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến xếp hạng tìm kiếm nhưng chúng thường bị nhiều người bỏ qua.
Giả sử trang web của bạn mất khoảng 20 – 30 giây mới truy cập được thì người dùng sẽ có xu hướng thoát trang vì không đủ kiên nhẫn. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng bởi vì Google đã bắt đầu xem xét “tốc độ trang” của website kể từ năm 2018.
4. Tối ưu hóa kỹ thuật
Tối ưu hóa kỹ thuật cần sự hiểu biết sâu sắc về cách công cụ tìm kiếm hoạt động và cách các công cụ hỗ trợ.
Dưới đây là ba vấn đề chính bạn cần lưu ý:
4.1 Kiểm tra khả năng tiếp cận robot và lập chỉ mục
Nếu con bọ của Google không thể tiếp cận, trang web của bạn sẽ không được hiển thị trong trang kết quả tìm kiếm của họ.
Để kiểm tra khả năng tiếp cận robot, cho phép thu thập dữ liệu và lập chỉ mục, bạn bắt đầu bằng cách sử dụng Google Search Console.
Trước đây, bạn phải xác minh tất cả các phiên bản (http://, https://, www, non-www). Bây giờ, bạn chỉ cần xác minh quyền sở hữu của mình thông qua bản ghi DNS.
Google sử dụng con bọ (còn gọi là “Googlebot” hoặc “spider”) để thu thập và tiếp nhận dữ liệu từ hàng tỷ website mỗi ngày.
Nếu nội dung và mã nguồn trang web của bạn được tối ưu tốt, bài đăng sẽ được lập chỉ mục nhanh chóng.
Trong nhiều trường hợp, Google có thể không thể quét và lập chỉ mục một số URL được do:
- Số lượng trang của bạn vượt quá ngân sách thu thập thông tin (Crawl Budget).
- Liên kết bị hỏng.
- Googlebot bị chặn.
Vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra phạm vi lập chỉ mục để tìm cách khắc phục.
- Đối với các trang đang ở trạng thái “Bị loại trừ”, bạn kiểm tra xem có trang nào cần được lập chỉ mục trong danh sách đó không.
- Đối với các trang đang ở trạng thái “Lỗi” hoặc “Hợp lệ nhưng có cảnh báo”, bạn cần xem xét lại và sửa lỗi.
Sau đó, bạn thực hiện “Yêu cầu lập chỉ mục” đối với các trang đó.
Ngoài ra, Search Console còn có thể giúp bạn đo lường lưu lượng truy cập từ truy vấn tìm kiếm, lượt hiển thị, thứ hạng của web cũng như phát hiện và khắc phục vấn đề mà website đang gặp phải.
Xem thêm: Tổng quan về các chủ đề liên quan đến hoạt động thu thập dữ liệu và lập chỉ mục (từ Google)
4.2 Sơ đồ trang web
Sơ đồ trang web (còn gọi là “sitemap”) là một tệp trong đó bạn cung cấp thông tin về các trang, video và các tệp khác trên trang web của mình.
Việc tạo sơ đồ trang web giống như nói cho Googlebot biết thiết kế ngôi nhà của bạn vậy.
Từ đó, các con bọ sẽ tìm đến mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, giúp cho việc thu thập dữ liệu và đánh giá mối liên kết giữa các nội dung được dễ dàng hơn.
Sơ đồ trang web không phải là một yếu tố xếp hạng, nó chỉ có chức năng như một người truyền tin và hướng dẫn cho Google khi tìm hiểu một website.
Bất kỳ cập nhật nào trên website của bạn như thêm trang mới, danh mục mới,… đều sẽ được thể hiện trên sơ đồ trang web.
Làm thế nào để tạo sơ đồ trang web cho website?
Nếu bạn sử dụng WordPress, cách đơn giản nhất đó là cài đặt plugin Yoast SEO hoặc Rank Math. Các plugin này sẽ tự động tạo sơ đồ trang web cho website của bạn.
4.3 Tệp robots.txt
Tệp robots.txt là một tệp văn bản đơn giản có dạng .txt, trong đó có chứa các quy tắc mà bạn muốn robot công cụ tìm kiếm tuân theo khi thu thập dữ liệu và lập chỉ mục.
Việc tạo tệp robots.txt giúp bạn kiểm soát và điều hướng các con bọ đến một số khu vực nhất định trên trang web. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý khi viết cú pháp vì nếu bạn vô tình thao tác sai thì Google sẽ không thể truy cập trang web và lập chỉ mục trang.
Nếu bạn có một trang web WordPress, bạn nên áp dụng các quy tắc sau trong tệp robots.txt của mình:
User-agent: *
Allow: /wp-content/uploads/
Disallow: /wp-login.php
Disallow: /wp-admin/
Allow: /wp-admin/admin-ajax.php
Disallow: /readme.html
Disallow: /license.txt
Disallow: /trackback/
Disallow: /blackhole/
Disallow: /page/
Disallow: /*/page/
Disallow: /search/
Disallow: /?s=
Sitemap: https://example.com/post-sitemap.xml
Sitemap: https://example.com/page-sitemap.xml
Sau đó, bạn tải tệp này lên thư mục gốc của trang web.
5. Tạo nội dung cho SEO
Trước khi bạn nghĩ đến việc tối ưu hóa nội dung như đặt từ khóa hay thêm liên kết, bạn cần tạo nội dung mà Google muốn xếp hạng.
Về mặt nội dung, bạn cần nắm vững ba điều sau:
5.1 Nội dung chất lượng và giá trị
Nội dung chất lượng và giá trị là nội dung có thể giúp người đọc cải thiện kiến thức đúng đắn hoặc dễ dàng thực hành.
Có rất nhiều yếu tố đánh giá chất lượng của nội dung như thông tin hữu ích, văn phong của người viết, diễn đạt dễ hiểu, dẫn dắt lôi cuốn,…
Ngoài ra, bằng cách thêm những chi tiết như dẫn chứng, số liệu, hình ảnh, ảnh chụp màn hình,… người đọc sẽ cảm thấy bài viết của bạn đáng tin cậy và có giá trị.
Ngày nay, Google đã làm tốt hơn trong việc kiểm soát chất lượng nội dung bằng rất nhiều thuật toán, bao gồm Google Panda và Google Penguin.
- Google Panda: Bản cập nhật này được thiết kế để giảm thứ hạng cho các trang web chất lượng thấp — các trang web có giá trị gia tăng thấp cho người dùng, sao chép nội dung từ các trang web khác hoặc các trang web không hữu ích lắm.
Đồng thời, nó sẽ cung cấp thứ hạng tốt hơn cho các trang web chất lượng cao — các trang web có nội dung và thông tin gốc như nghiên cứu, báo cáo chuyên sâu, phân tích chu đáo,…
- Google Penguin: Thuật toán quan trọng nhắm vào webspam, làm giảm thứ hạng cho các trang web mà Google tin rằng đang vi phạm các nguyên tắc chất lượng của họ.
Cụ thể, thuật toán này sẽ giảm thứ hạng các trang có dấu hiệu nhồi nhét từ khóa, nội dung cóp nhặt, mưu đồ liên kết,…
Vì thế nếu đọc đến đây, tôi khuyên các bạn hãy đầu tư thật kỹ vào nội dung và đặt hết tâm huyết của mình vào mỗi bài viết.
5.2 Nội dung đáp ứng mục đích tìm kiếm
Khi người dùng tìm kiếm thông tin nghĩa là họ đang muốn tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề của mình.
Nếu nội dung của bạn là những thứ người đọc cần thì thời gian họ sẽ ở trên website càng lâu.
Đối với Google, họ sử dụng thuật toán RankBrain để trả về kết quả phù hợp với mục đích tìm kiếm (còn gọi là “ý định tìm kiếm”) của người dùng.
RankBrain có hai công việc chính:
- Hiểu các truy vấn tìm kiếm (từ khóa)
- Đo lường cách mọi người tương tác với kết quả tìm kiếm (tín hiệu trải nghiệm người dùng)
Làm thế nào để tạo nội dung đáp ứng mục đích tìm kiếm?
Hãy bắt đầu với nghiên cứu từ khóa.
Nhưng trước tiên, bạn cần biết mình muốn gì. Điều đó có nghĩa là, bạn nhắm đến người dùng đang ở trong giai đoạn nào của quá trình mua.
Các giai đoạn này thường tương ứng với bốn loại mục đích tìm kiếm phổ biến, bao gồm: điều hướng (navigational), thông tin (informational), thương mại (commercial) và giao dịch (transactional).
- Thông tin: Người tìm kiếm đang tìm kiếm thông tin.
- Điều hướng: Người tìm kiếm đang tìm kiếm một trang web cụ thể.
- Thương mại: Người tìm kiếm đang tìm kiếm các đánh giá và so sánh, thể hiện sự cân nhắc trước khi mua hàng.
- Giao dịch: Người tìm kiếm đang tìm cách mua hàng.
Sau đó, bạn có thể sử dụng công cụ AnswerThePublic để tìm những cụm từ và câu hỏi mà mọi người đang thắc mắc xung quanh từ khóa hạt giống (seed keyword) của bạn.
Tiếp theo, bạn chọn lọc các cụm từ và câu hỏi phù hợp với từ khóa trọng tâm cũng như đối tượng người dùng bạn nhắm đến để đưa vào nội dung.
Ngoài hiển thị hình ảnh trực quan, họ cũng cho phép bạn xem dưới dạng dữ liệu:
Một cách khác mà tôi cũng thường sử dụng khi nghiên cứu từ khóa trên Google đó là kéo xuống cuối trang để xem các tìm kiếm có liên quan đến từ khóa hạt giống.
Nhờ đó mà tôi biết được người dùng đang quan tâm đến vấn đề gì để đưa ra giải pháp cho họ.
Tuy nhiên nếu tạo nội dung cho một chiến dịch SEO, bạn sẽ cần sự hỗ trợ của các công cụ để việc nghiên cứu từ khóa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hai công cụ dưới đây sẽ giúp bạn lọc các “tìm kiếm có liên quan”, “tự động điền” và “câu hỏi”. Đây đều là các loại cụm từ mà người dùng Google sử dụng để truy vấn.
- Miễn phí: Keywords Everywhere
- Trả phí: KWFinder
5.3 Nội dung độc đáo và duy nhất
Mỗi ngày có hàng triệu nội dung được đăng tải trên trực tuyến, bạn sẽ bắt gặp những thứ tương tự nhau ở khắp mọi nơi.
Vì vậy, tạo nội dung mới mẻ và độc đáo là quan trọng, Google chắc chắn yêu thích nó.
Làm thế nào để tạo nội dung độc đáo?
Bằng phương pháp tiếp cận chủ đề khác biệt và sáng tạo, bạn sẽ tạo được các nội dung mà người dùng chỉ có thể tìm thấy trong bài đăng của bạn.
Bạn nên thêm các yếu tố sau vào nội dung của mình:
- Kinh nghiệm cá nhân, nghiên cứu tình huống (case study)
- Hướng dẫn từng bước hoặc chi tiết
- Mẹo, chiến lược hoặc chiến thuật mới
- Thiết kế nội dung đẹp mắt và chú trọng trải nghiệm người dùng
6. Tối ưu hóa nội dung
Tạo nội dung cho SEO đã mất rất nhiều thời gian của bạn, hãy tối ưu hóa nó để công sức của bạn được bù đắp xứng đáng.
Nếu bạn không tối ưu hóa nội dung của mình cho Google, mọi người khó có thể tìm thấy nó.
Trong phần này, tôi đưa ra một danh sách để bạn kiểm tra.
6.1 Thẻ tiêu đề
Thẻ tiêu đề là một thẻ HTML được sử dụng để mô tả chính xác và ngắn gọn về nội dung của một trang.
<title>SEO On-Page: Hướng Dẫn Chi Tiết (2021)</title>
Trong các trang kết quả tìm kiếm, tiêu đề là thứ đầu tiên mà người dùng nhìn thấy. Vì vậy, nó tác động trực tiếp đến tỷ lệ nhấp.
Thẻ tiêu đề cũng cho các công cụ tìm kiếm như Google ước tính mức độ phù hợp của một trang với truy vấn của người tìm kiếm.
Một số lời khuyên để bạn viết tiêu đề tốt hơn:
- Bạn nên viết tiêu đề của mình dưới 60 ký tự.
Thay vì sử dụng số lượng ký tự, Google có chiều rộng cố định là 600px cho tiêu đề. Nếu tiêu đề của bạn rộng hơn 600px, Google sẽ cắt nó đi. Với ít hơn 60 ký tự, chiều rộng của tiêu đề thường nhỏ hơn 600px.
Ngoài ra, tiêu đề quá ngắn có thể không mô tả được hết nội dung của bạn. Vì vậy, bạn cũng nên tránh viết các tiêu đề chỉ gồm một hoặc hai từ.
- Tiêu đề không nên quá chung chung, cần phải bám sát insight (sự thật ngầm hiểu) hoặc nhu cầu của đối tượng mục tiêu.
Ví dụ: “Review top 5 sữa rửa mặt dành cho da dầu mụn”, “Top 5 cuốn sách tiếp thêm động lực cho cuộc sống”.
- Sử dụng tiêu đề dạng câu hỏi.
Ví dụ: “Làm thế nào để tăng cân trong 3 tháng?”, “Tại sao trẻ biếng ăn kéo dài? (nguyên nhân và cách khắc phục)”
- Thêm số năm vào tiêu đề.
Người đọc luôn thích những thông tin mới nhất và được cập nhật nên việc thêm số năm vào tiêu đề sẽ giúp bạn tăng tỷ lệ nhấp (CTR).
- Thêm một số từ mạnh vào tiêu đề như “tốt nhất”, “không nên bỏ qua”.
Lưu ý: Bạn không nên phóng đại quá mức như “không xem là không được”, “tuyệt vời nhất trên thế giới”,… vì nó trông giống như bạn đang sử dụng clickbait (mồi nhử nhấp chuột).
- Viết từ khóa tập trung (còn gọi là “từ khóa chính”) ở đầu tiêu đề (đặc biệt khi bạn đang tối ưu hóa cho một từ khóa có độ cạnh tranh cao).
Xem thêm: Cách tạo tiêu đề trang tuyệt vời cho SEO (từ Yoast SEO)
6.2 URL
Hiểu đơn giản, URL là một đường dẫn hoặc địa chỉ web.
Ví dụ: “https://bettergrowth.org/cach-viet-content/”
Khi nói đến tối ưu hóa URL trong SEO on-page, chúng ta quan tâm đến “slug”.
Slug là một phần của URL xác định một trang cụ thể trên một website, giải thích nội dung của trang.
Viết một slug tốt và thân thiện có thể ảnh hưởng tích cực đến SEO của bạn.
Cách tối ưu hóa slug cũng như URL của bạn:
- Bao gồm cụm từ khóa trọng tâm.
- Giữ cho nó ngắn gọn và mang tính mô tả bằng cách bỏ đi những từ không quan trọng nhưng phần còn lại vẫn giúp người đọc hiểu nội dung của bài đăng.
- Chỉ sử dụng các chữ cái thường.
6.3 Thẻ mô tả
Thẻ mô tả (còn gọi là “meta description”) là một thẻ HTML được sử dụng để cung cấp đoạn mô tả ngắn về một trang web.
<meta name="description" content="Content marketing là gì? Tại sao phải sử dụng content marketing? Hiểu tổng quan về tiếp thị nội dung bằng cách đọc bài đăng này. Xem ngay!"/>
Trong trang kết quả tìm kiếm, thẻ mô tả hiển thị ngay bên dưới tiêu đề bài viết. Vì vậy, nó cũng tác động đến tỷ lệ nhấp.
Mặc dù bạn có thể chủ động tạo mô tả meta nhưng trong nhiều trường hợp Google sẽ viết lại nó bằng cách trích một đoạn bất kỳ trong bài viết phù hợp với truy vấn của người dùng.
Ba lý do dẫn tới việc Google viết lại các mô tả meta:
- Bạn viết mô tả meta kém, không khái quát về nội dung của trang.
- Để đối sánh chính xác hơn truy vấn tìm kiếm với trang web khi nội dung bị thiếu một phần của truy vấn tìm kiếm.
- Google đang cố gắng khớp truy vấn tìm kiếm với nội dung nhưng kết quả không có trong mô tả meta.
Theo một nghiên cứu của Ahrefs, Google viết lại mô tả meta cho phần lớn các kết quả tìm kiếm.
Dưới đây là các lời khuyên để giúp bạn tạo một mô tả meta tốt:
- Giữ chiều dài tối đa 155 ký tự.
- Đừng quên bao gồm từ khóa chính của bạn nhưng tránh nhồi nhét.
- Thêm lời kêu gọi hành động nếu có liên quan.
- Đảm bảo rằng nó phù hợp với nội dung của trang.
- Hiển thị thông số kỹ thuật (nếu có thể).
Xem thêm: 10 sai lầm cần tránh khi viết mô tả meta của bạn (từ Search Engine Journal)
6.4 Sử dụng từ khóa chính trong 100 từ đầu tiên
Khi mọi người truy cập đến trang của bạn, họ muốn hiểu nội dung của bài đăng ngay lập tức.
Sử dụng cụm từ khóa chính trong khoảng vài dòng đầu tiên, bạn sẽ giúp người đọc dễ dàng quyết định ở lại thay vì rời đi.
Không chỉ người dùng, Google cũng sẽ đánh giá cao bài viết nếu cụm từ khóa chính của bạn (hoặc cụm từ đồng nghĩa với nó) xuất hiện ở phần giới thiệu.
Giả sử bạn viết một nội dung về máy điều hòa, nhưng gần đến đoạn cuối mới xuất hiện từ khóa “máy điều hòa” thì có thể Google sẽ không đánh giá cao bài viết vì họ nghĩ bạn đang lạc đề.
Brian Dean nói rằng, bạn nên sử dụng từ khóa chính một lần trong 100-150 từ đầu tiên của bài viết.
Yoast SEO cũng khuyên bạn nên sử dụng từ khóa chính trong phần giới thiệu của mình.
Search Engine Watch khẳng định điều này quan trọng hơn tần suất từ khóa.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy không phải tất cả các trang web đang được xếp hạng cao đều áp dụng chiến thuật này.
Vì vậy, đó có thể là điểm cộng nhưng không phải bắt buộc. Phần giới thiệu được viết tự nhiên và hấp dẫn quan trọng hơn.
6.5 Tần suất từ khóa
Tần suất từ khóa là số lần từ khóa chính xuất hiện trong nội dung của bạn.
Để đo lường, chúng ta có một số liệu được gọi là mật độ từ khóa (keyword density).
Công thức tính:
(Số lần từ khóa chính xuất hiện / Số từ trên trang web) * 100% = Mật độ từ khóa
Ví dụ:
Từ khóa “SEO on-page” xuất hiện 15 lần trong một bài đăng dài 3.000 từ thì mật độ từ khóa là: 15 / 3.000 * 100% = 0.5%.
Mật độ từ khóa rất quan trọng vì nó giúp Google hiểu nội dung trang web của bạn và đối sánh với truy vấn của người dùng tốt hơn.
Chúng ta cùng xem xét tiếp ví dụ “máy điều hòa” ở trên:
Nếu bạn chỉ sử dụng từ khóa chính một lần trong 100 từ đầu tiên, Google sẽ không chắc chắn toàn bộ nội dung này nói về chủ đề máy điều hòa.
Nhưng nếu bạn sử dụng từ khóa “máy điều hòa” khoảng 10 lần ở các vị trí khác nhau trong bài viết, Google dễ dàng nhận thấy sự liên quan.
Trong một nội dung, bạn không nên lặp lại cụm từ khóa chính quá nhiều lần vì nó dẫn đến trải nghiệm kém cho người dùng và có thể gây hại cho thứ hạng trang web của bạn.
Mật độ từ khóa bao nhiêu là tốt cho SEO?
Yoast SEO khuyên bạn nên tối ưu mật độ cụm từ khóa chính nằm trong khoảng 0,5 đến 3%.
Đối với một bài đăng dài 2.000 – 3.000 từ và được viết tự nhiên, đôi khi cụm từ khóa chính của bạn chỉ cần xuất hiện một vài lần là đủ.
6.6 Thêm các liên kết nội bộ
Liên kết nội bộ (còn gọi là “internal link”) là liên kết từ một trang này đến một trang khác trên cùng một website.
Những liên kết nội bộ thực sự có thể giúp website của bạn trở thành một cỗ xe tăng, nghiêm túc.
Nó không chỉ góp phần tăng tính hoàn thiện của cấu trúc silo (silo structure), nó còn giúp tăng sự cạnh tranh khi một ai đó sao chép nội dung bài viết của bạn.
Google không phạt nội dung trùng lặp, bởi vậy khi bài đăng của bạn rời rạc, nó rất khó để Google tôn trọng tuyệt đối. Đó là lý do khiến nhiều bài đăng sao chép vẫn có thể vượt qua bạn để xếp hạng cao hơn.
Vì vậy, nếu bài viết của bạn có liên quan đến những nội dung khác trên website, hãy gắn kết chúng thông qua liên kết nội bộ.
Mẹo chuyên nghiệp:
- Liên kết các trang có thẩm quyền cao (PA) đến bài đăng mới.
- Liên kết các trang đang được xếp thứ hạng cao đến bài đăng mới.
- Liên kết đến các trang có nội dung liên quan với ngữ cảnh phù hợp.
6.7 Thêm các liên kết ra bên ngoài
Liên kết ra bên ngoài (outbound link, còn được gọi là “external link”) là liên kết từ trang web của bạn đến một trang của website khác.
Theo John Mueller (từ Google):
Liên kết tốt với các trang web khác là một cách tuyệt vời để cung cấp giá trị cho người dùng của bạn. Thông thường, các liên kết giúp người dùng tìm hiểu thêm để xem các nguồn của bạn và hiểu rõ hơn về cách nội dung của bạn có liên quan đến các câu hỏi mà họ có.
Các phương pháp hay nhất cho liên kết bên ngoài:
- Chỉ liên kết đến các trang có liên quan theo chủ đề vì đây là một cách tốt để cung cấp thêm giá trị cho người dùng.
- Chỉ liên kết đến các trang có độ tin cậy cao hoặc đang phổ biến. Tôi sử dụng chiến thuật này ngay từ ngày đầu viết blog.
Về cơ bản, tôi sử dụng SEOquake Extension trong quá trình nghiên cứu về chủ đề trước khi viết.
Bất cứ liên kết nào có Alexa rank cao (thường xếp hạng trong khoảng 0 – 50K website toàn cầu) và chứa thông tin hữu ích, tôi đều lưu lại để bổ sung thêm giá trị cho người đọc.
- Sử dụng thuộc tính liên kết nofollow cho các trang web bạn không tin tưởng.
- Sử dụng thuộc tính
target="_blank"
vào HTML hoặc tùy chọn mở liên kết trong tab mới để tránh người dùng rời khỏi trang web của bạn.
Khi nào bạn nên sử dụng thuộc tính nofollow đối với outbound links?
Bạn nên sử dụng liên kết nofollow trong trường hợp bạn không muốn truyền sức mạnh xếp hạng (còn được gọi là “link juice“) cho trang hoặc webiste mà liên kết đến.
Bạn sử dụng liên kết nofollow trong các trường hợp:
- Bình luận: Liên kết xuất hiện trong phần bình luận.
- Nội dung do người dùng tạo (UGC): Liên kết từ người dùng khác nếu website của bạn cho phép họ đóng góp nội dung.
- Liên kết trả phí: Liên kết do người khác trả phí hoặc tài trợ để bạn sử dụng.
- Nhúng: Liên kết xuất hiện trong mã nhúng nội dung từ bên ngoài vào website của bạn. Ví dụ: các tiện ích hoặc đồ họa thông tin.
Khi thêm liên kết nội bộ hoặc liên kết ra bên ngoài, bạn cần chú ý đến văn bản neo (còn được gọi là “anchor text“).
Nếu sử dụng không đúng cách hoặc tối ưu hóa anchor text quá mức, Google sẽ coi đó là hành động nhằm mưu đồ liên kết và bạn có thể bị phạt.
6.8 Hình ảnh
Google luôn thích những thứ mới mẻ, với hình ảnh cũng vậy.
Nếu bạn sử dụng một tấm ảnh mà mọi người đều dùng thì Google sẽ không đánh giá cao bằng hình ảnh tự chụp hoặc ảnh được làm mới lại.
Hầu hết hình ảnh tôi sử dụng trong bài đăng này bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu bởi vì chúng do tôi tạo.
Việc sử dụng một hình ảnh mới là tốt nhưng tối ưu hóa nó cũng quan trọng không kém.
Ba điều tôi luôn làm khi tối ưu hóa hình ảnh cho SEO:
- Tạo hình ảnh trực quan, rõ ràng và đẹp mắt.
- Kích thước vừa phải và nhẹ.
Bạn có thể chỉnh sửa hình ảnh trên Photoshop, sau đó xuất tệp ra định dạng PNG hoặc JPG thông qua tính năng “Save for Web” để tối ưu dung lượng ảnh.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tối ưu dung lượng ảnh bằng cách sử dụng công cụ nén trực tuyến TinyPNG (miễn phí).
Nếu bạn muốn tự động tối ưu hóa hình ảnh cho website của mình, bạn nên dùng thử ShortPixel.
Nó giúp tôi giảm dung lượng xuống mức thấp nhất nhưng vẫn giữ được chất lượng hình ảnh. Bên cạnh đó, ShortPixel còn bao gồm tính năng chuyển hình ảnh về định dạng WebP mà Google khuyến nghị.
- Viết tiêu đề và văn bản thay thế (còn được gọi là thuộc tính alt) cho mỗi hình ảnh.
6.9 Thẻ tiêu đề phụ (H2, H3)
Và khi nói đến văn bản trên một trang, tiêu đề là một tín hiệu thực sự mạnh mẽ cho chúng ta biết phần này của trang là về chủ đề này.
John Mueller, Search Advocate Google.
Các tiêu đề cũng giúp người dùng xác định phần nào của văn bản là phần mà họ sẽ đọc.
Khi trang của bạn không chứa bất kỳ tiêu đề nào, việc quét văn bản trở nên khó khăn hơn với độc giả (đặc biệt trong trường hợp bạn viết các đoạn văn dài).
Vì vậy, bạn cần cấu trúc bài đăng của mình với nhiều tiêu đề, thường từ H1 đến H3.
Thẻ đầu tiên luôn là thẻ tiêu đề (hiển thị trong kết quả tìm kiếm) tương ứng là thẻ H1 (hiển thị trong trang web của bạn), mặc dù thẻ H1 và thẻ tiêu đề SEO là khác nhau.
Tiếp đến là các thẻ phụ, từ H2 đến H6 (nếu bài đăng của bạn phân cấp đến thẻ H6 thì các thẻ phụ H2, H3 có “sức nặng” hơn).
Với một bài đăng blog dài nhiều ngàn từ, bạn nên bổ sung thêm các thẻ tiêu đề phụ. Như vậy, nội dung của bạn khi hiển thị sẽ thể hiện được sự chi tiết và chiều sâu.
Ngoài ra, bạn nên thêm cụm từ khóa chính vào các thẻ tiêu đề phụ, điều này sẽ có lợi cho SEO.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, bạn có thể thêm từ khóa chính vào nhiều thẻ tiêu đề nhưng nhưng không phải tất cả chúng đều có.
6.10 Sử dụng HTTPS
HTTPS cải thiện bảo mật cho độc giả của bạn bằng cách mã hóa dữ liệu giữa trình duyệt và máy chủ.
Vào năm 2014, Google đã công bố HTTPS là một tín hiệu xếp hạng.
Nó cũng giúp cho trang web của bạn tải nhanh hơn so với khi sử dụng HTTP.
Nếu website của bạn đã được cài HTTPS, bạn sẽ thấy ổ khóa an toàn trước tên miền trong trình duyệt Chrome.
Nếu website của bạn chưa cài nó, bạn nên hành động vì tất cả lợi ích được nêu trên.
Xem thêm: Đánh Giá & Cách Cài Đặt Chứng chỉ SSL của Namecheap cho Website trên Nginx
7. Tối ưu hóa CTR
Bạn đã biết cách tạo một nội dung tốt cho SEO và tối ưu hóa nội dung đó.
Nhưng nó chưa kết thúc, hãy tìm hiểu xem làm thế nào để tăng thêm lượt nhấp từ kết quả tìm kiếm không phải trả tiền và thúc đẩy nhiều lưu lượng truy cập hơn đến trang web của bạn.
Tỷ lệ nhấp (click through rate – CTR) là tỷ lệ người dùng nhấp vào trang của bạn trên tổng số người dùng xem liên kết được hiển thị trong trang kết quả công cụ tìm kiếm.
CTR = Số lượt nhấp (clicks) / Số lượt hiển thị (impressions) * 100%
Nếu chỉ số này cao, điều đó có nghĩa là những yếu tố nội dung của bạn hiển thị trong công cụ tìm kiếm đang hoạt động hiệu quả. Nhưng nếu chỉ số này thấp, bạn có thể dựa vào những lời khuyên dưới đây để cải thiện.
Nếu bạn muốn biết CTR trung bình để có thể sử dụng chúng làm điểm chuẩn, bạn nên tham khảo Google Organic CTR History.
7.1 Sử dụng đánh dấu lược đồ
Đánh dấu lược đồ (schema markup, còn được gọi là dữ liệu có cấu trúc – “structured data”) là một định dạng chuẩn để cung cấp thông tin về một trang và phân loại nội dung trang nhằm giúp các công cụ tìm kiếm trả lại kết quả nhiều thông tin hơn cho người dùng.
Chắc chắn, nó giúp Google hiểu nội dung của bạn bằng cách cung cấp gợi ý rõ ràng về ý nghĩa của trang.
Lược đồ có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến SEO nhưng nó lại có khả năng giúp bài viết của bạn hiển thị đoạn mã chi tiết (rich snippets, còn được gọi là kết quả nhiều định dạng – “rich results”).
Cụ thể, Google sẽ hiển thị thêm thông tin khác (tùy vào loại lược đồ của bạn) ngoài những thông tin cơ bản của kết quả tìm kiếm thông thường.
Về cơ bản, nếu trang của bạn hiển thị kết quả nhiều định dạng, nó có thể nhận được nhiều lượt nhấp hơn.
Hai loại lược đồ phổ biến mà bạn có thể sử dụng:
- Đánh giá (Review Schema)
- Câu hỏi thường gặp (FAQ Schema)
Để kiểm tra lược đồ của bạn đã được thiết lập đúng hay chưa, bạn có thể sử dụng công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc của Google.
7.2 Tối ưu hóa cho các đoạn trích nổi bật
Đoạn trích nổi bật (featured snippets) là các đoạn văn bản ngắn xuất hiện ở đầu kết quả tìm kiếm của Google để trả lời nhanh truy vấn của người tìm kiếm.
Nội dung xuất hiện bên trong đoạn trích nổi bật được Google lấy từ các kết quả tìm kiếm. Các hệ thống tự động của Google sẽ xác định chất lượng của trang để xem trang của bạn có thể xuất hiện trong ô đoạn trích nổi bật cho một yêu cầu tìm kiếm cụ thể hay không.
Các loại nội dung dễ được lựa chọn là đoạn trích nổi bật bao gồm:
- Đoạn văn (thường là định nghĩa).
- Nhóm/danh sách các bước.
- Bảng biểu.
Làm thế nào để tối ưu cho các đoạn trích nổi bật?
Thông thường, tôi sẽ nghiên cứu các kết quả tìm kiếm của một truy vấn nhất định, xem thử dạng nội dung nào đang được Google chọn làm đoạn trích nổi bật.
Tiếp theo, tôi sẽ xem bài viết được hiển thị đoạn trích nổi bật có thông tin dạng bảng, dạng danh sách hoặc định nghĩa,… hay không.
Sau đó, tôi sẽ viết theo cấu trúc tương tự nhưng với một nội dung mới mẻ và độc đáo hơn.
Ví dụ tôi thực hiện truy vấn với từ khóa “laptop văn phòng nhỏ gọn” và nhận được kết quả tìm kiếm như ảnh dưới.
Từ đó, tôi biết rằng mình nên viết nội dung dạng danh sách, khả năng được hiển thị đoạn trích nổi bật sẽ cao hơn.
8. Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng
Google làm mọi thứ đều hướng đến người dùng cuối, những người như bạn và tôi.
Khi truy cập một trang web, bạn có muốn mình nhận được những trải nghiệm tệ như thời gian tải trang quá lâu hay các liên kết điều hướng khiến bạn khó chịu?
Chắc chắn bạn cũng giống tôi, chúng ta đều không thích điều đó chút nào.
Bạn nên xây dựng một trang web mang lại lợi ích cho người dùng của bạn và thực hiện mọi tính năng tối ưu hóa nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng.
Bây giờ đã đến lúc chỉ cho bạn cách tối ưu và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Tiếp tục theo dõi!
8.1 Tốc độ tải trang
Bất kỳ ai cũng cảm thấy khó chịu nếu truy cập vào một trang web mà thời gian chờ phản hồi quá lâu.
Đó là lý do Google sử dụng tốc độ trang web trong xếp hạng tìm kiếm.
Bởi vậy khi làm SEO on-page, bạn cũng cần tối ưu tốc độ của website nhằm đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Thậm chí tôi cũng viết một hướng dẫn chi tiết để bạn thực hành dễ dàng hơn.
Thời gian tải trang bao lâu là hợp lý?
Thời gian phản hồi nhanh là điều cần thiết cho khả năng sử dụng web. Theo Nielsen Norman Group:
- 0,1 giây mang lại cảm giác phản hồi tức thời.
- 1 giây có thể khiến người dùng cảm nhận được độ trễ nhưng dòng suy nghĩ và trải nghiệm của họ vẫn liền mạch.
- 1 – 10 giây có thể khiến trải nghiệm của người dùng tệ dần đi, họ ước máy tính tải nhanh hơn.
Độ trễ 10 giây thường sẽ khiến người dùng rời khỏi trang web ngay lập tức.
Như bạn thấy, một vài giây chậm trễ cũng đủ để tạo ra một trải nghiệm khó chịu cho người dùng.
Vì thế, hãy làm cho trang web của bạn được tải trong khoảng 1 – 3 giây (cả trên di động và máy tính để bàn).
8.2 Trải nghiệm di động
Kỳ vọng của người tiêu dùng về trải nghiệm di động nhanh chóng và dễ sử dụng đang cao hơn bao giờ hết.
Và Google nói rằng việc tạo ra trải nghiệm di động tuyệt vời nên là ưu tiên của các nhà tiếp thị.
Bạn có thể cải thiện trải nghiệm của người dùng trên di động thông qua các yếu tố sau:
- Thiết kế đáp ứng cung cấp cùng một nội dung và URL trên tất cả các thiết bị, nhưng thay đổi bố cục và định dạng để phù hợp với kích thước màn hình của người dùng.
Tại sao cần thiết kế trang web đáp ứng? Bởi vì, Google đang tăng cường xếp hạng cho các trang thân thiện với thiết bị di động trong kết quả tìm kiếm trên điện thoại di động.
Giao diện trang web của tôi trên máy tính để bàn:
Khi hiển thị trên di động nó trông như thế nào?
Bạn cũng có thể sử dụng công cụ Kiểm tra tính thân thiện với thiết bị di động hoặc kiểm tra báo cáo “Khả năng sử dụng trên thiết bị di động” trong Google Search Console để kiểm tra khả năng đáp ứng của trang web của bạn.
- Tối ưu hóa trang web trên thiết bị di động của bạn để có thời gian tải trang nhanh hơn.
- Sử dụng các mục tiêu chạm lớn và các tùy chọn điều hướng rõ ràng.
- Thiết lập phông chữ dễ đọc trên màn hình nhỏ.
- Giữ cho trang web của bạn trông đơn giản và đẹp mắt.
8.3 Cấu trúc trang web
Cấu trúc trang web đề cập đến cách bạn tổ chức nội dung trang web của mình.
Tại sao cấu trúc trang web lại quan trọng?
- Làm cho trang web thân thiện hơn với trình thu thập thông tin của công cụ tìm kiếm.
- Tránh các nội dung xung quanh cùng một chủ đề của bạn cạnh tranh với nhau trong trang kết quả tìm kiếm.
- Cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách giúp họ dễ dàng tìm kiếm và truy cập nội dung.
Các loại cấu trúc trang web:
Có ba loại cấu trúc trang web chính mà bạn có thể hình dung. Hiểu đúng về cấu trúc trang web sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tạo ra một kiến trúc thông tin có ý nghĩa.
Xem thêm: Hướng dẫn cho người mới bắt đầu về kiến trúc thông tin trong UX (từ XD Ideas / Adobe)
- Mô hình trình tự (Sequences model): Cách đơn giản và quen thuộc nhất để tổ chức thông tin là đặt nó theo một trình tự. Đây là cấu trúc của sách, tạp chí và tất cả các ấn phẩm khác.
- Mô hình phân cấp (Hierarchical model): Là một trong những kiểu kiến trúc trang web phổ biến nhất. Nó tương tự như một cái cây ở chỗ nó có một thân cây (giống như một trang chủ) phân nhánh thành các danh mục và các trang.
- Mô hình ma trận (Matrix model): Là một trong những kiểu cấu trúc trang web lâu đời nhất trên internet. Nó cung cấp cho người dùng nhiều liên kết có liên quan theo các nhóm chủ đề khác nhau, cho phép họ chọn nơi họ muốn đến tiếp theo.
Những công cụ để cấu trúc trang web của bạn:
- Trang chủ
- Menu
- Đường dẫn (breadcrumbs)
- Danh mục (categories, subcategories)
- Thẻ (tags)
- Trang (pages)
- Bài đăng (posts)
- Liên kết nội bộ
- Sơ đồ trang web
Làm thế nào để bắt đầu với cấu trúc trang web?
Đối với những người thiết kế và phát triển web chuyên nghiệp, cấu trúc trang web là điều họ sẽ nghĩ đến ngay cả trước khi ra mắt trang web vì nó có thể khó chỉnh sửa về sau.
Tuy nhiên với hầu hết mọi người, ban đầu chúng ta sẽ thường tập trung vào việc phát triển nội dung mà không để ý đến cấu trúc website. Vì vậy sau một thời gian sẽ dẫn tới việc website có cấu trúc không thân thiện.
Để khắc phục điều đó, bạn nên bắt đầu từ những gợi ý sau:
- Xóa nội dung cũ (và chuyển hướng nếu cần) để tránh tồn tại các liên kết không cần thiết.
- Xem xét, đánh giá và sắp xếp lại các danh mục của bạn.
- Cải thiện cấu trúc liên kết nội bộ của bạn.
Kết luận
SEO on-page bao gồm rất nhiều công việc từ tạo nội dung, tối ưu thẻ tiêu đề, URL đến đánh dấu lược đồ, tối ưu trải nghiệm người dùng và hơn thế nữa.
Tuy nhiên tôi tin rằng nếu bạn làm tốt, bài đăng của bạn sẽ xuất hiện ở trang đầu kết quả tìm kiếm cũng như được độc giả yêu thích.
Khi đó, bạn sẽ cảm thấy những gì mình đã đầu tư là hoàn toàn xứng đáng.
Hãy để lại bình luận và cho tôi biết bạn đã học được điều gì mới từ nội dung này. Tôi cũng rất sẵn lòng chia sẻ với bạn những gì bạn còn đang thắc mắc.
Cảm ơn Quân vì bài viết chi tiết, có cấu trúc cực kỳ rõ ràng. Sẽ tiếp tục ủng hộ và theo dõi Quân trong thời gian tới.
Cảm ơn vì đã đọc và ủng hộ. Hi vọng nội dung bài viết hữu ích với bạn!
Cảm ơn anh vì bài viết ạ. Rất hữu ích cho newbie như em có 1 cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết về cách thực chiến trong khi đang học nghiên cứu về nghề làm digital marketing. Chúc anh nhiều sức khỏe để mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng follow anh.
Chào mừng em đến với BetterGrowth! Mong rằng bài viết hữu ích với em.
Lâu lắm mới lại chăm chỉ đọc một bài dài như vậy 🙂
Thanks tác giả 🙂
Chào bạn Thành Thái,
Cám ơn bạn đã ghé thăm và đọc bài viết!
Thân,
Bài viết này cũng giống như mọi bài viết khác – chi tiết và quá tuyệt vời anh ạ. Cám ơn anh nhiều!
Chào Duy,
Cám ơn em nhiều nhé! Vì những bình luận như của em, anh sẽ tiếp tục viết những bài đăng tương tự.
Thân,
Một bài hướng dẫn rất chi tiết và đầy đủ! Xin hỏi bạn phủ màu lên ảnh bằng cách nào vậy?
Chào Lộc,
Cám ơn bạn đã đọc bài viết!
Về hình ảnh, mình chỉnh sửa đơn giản bằng cách phủ một lớp màu thương hiệu lên trên, sau đó tô sáng phần cần tập trung.